Luật sư tư vấn
Điều 42 Luật phòng chống bạo lực gia đình năm 2007 quy định:
1. Người có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
2. Cán bộ, công chức, viên chức, người thuộc lực lượng vũ trang nhân dân có hành vi bạo lực gia đình nếu bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định của khoản 1 điều này thì bị thông báo cho người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền quản lý người đó để giáo dục.
Theo quy định nêu trên, tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm, anh rể của bạn có thể bị xử lý vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo mục 4 Chương II Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013:
- Hành vi xâm phạm sức khỏe thành viên gia đình có thể bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng và có thể buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu.
- Hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của thành viên gia đình có thể bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.500.000 đồng và có thể buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu.
Người có hành vi bạo lực gia đình có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% trở lên hoặc dưới 11% nhưng thuộc vào một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 điều 134 Bộ luật hình sự 2015 về Tội cố ý gây thương tích. Tùy mức độ, hành vi vi phạm mà có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 20 năm hoặc tù chung thân.
Về xử lý kỷ luật đối với viên chức có hành vi bạo lực gia đình: theo điều 16 Nghị định 112/2020/NĐ-CP có thể áp dụng hình thức kỷ luật khiển trách, kỷ luật cảnh cáo, kỷ luật cách chức (với viên chức quản lý), kỷ luật buộc thôi việc tùy theo tùy tính chất, mức độ vi phạm của hành vi.
Nếu chị bạn có đơn tố cáo về việc bị làm nhục, xúc phạm danh dự nhân phẩm thì người chồng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Làm nhục người khác theo điều 153 Bộ luật hình sự 2015 với mức phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm, phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
Luật sư Phạm Quốc Bảo
Công ty Luật Bảo Ngọc, Hà Nội