Cháu tôi có phải chịu trách nhiệm hình sự không? Và trách nhiệm của tôi thế nào? (Ban Mai).
Luật sư tư vấn
Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định, người tham gia giao thông phải đủ độ tuổi, sức khoẻ và có giấy phép lái xe phù hợp với loại xe được phép điều khiển.
Như thông tin bạn cung cấp, cháu bạn tham gia giao thông khi chưa đủ tuổi điều khiển môtô, chở 3, xảy ra tai nạn gây thương tích hơn 30% cho sức khỏe 2 người - là dấu hiệu vi phạm tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ quy định tại khoản 1 Điều 260 BLHS.
Tuy nhiên, theo quy định, người từ đủ 14 tuổi trở lên nhưng chưa đủ 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự đối với các tội quy định tại khoản 2 Điều 12 BLHS, trong đó không có tội phạm quy định tại Điều 260 BLHS. Như vậy, cháu bạn (15 tuổi) không phải chịu trách nhiệm hình sự đối với hành vi trên vì không đáp ứng điều kiện về mặt chủ thể.
Về mức xử phạt vi phạm hành chính, cháu bạn có thể bị phạt cảnh cáo theo quy định tại khoản 1 Điều 21 Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ.
Còn bạn là chủ sở hữu phương tiện, biết cháu mình không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ nhưng vẫn cho mượn xe, dẫn đến việc cháu bạn gây ra hậu quả như trên. Theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 264 BLHS, bạn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ.
Hình phạt đối với tội này là phạt tiền 10-50 triệu đồng, hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.
Ngoài ra, mức xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cho người chưa đủ tuổi mượn xe máy là phạt tiền từ 800.000 đồng đến 2 triệu đồng đối với cá nhân theo quy định tại điểm đ khoản 5 Điều 30 Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ.
Nếu có căn cứ cho rằng bạn không biết cháu mình không đủ điều kiện điều khiển xe thì bạn không phải chịu trách nhiệm.
Luật sư Võ Đan Mạch
Công ty Luật TNHH MTV Ta Pha