Vợ chồng tôi có một đứa con gái 28 tuổi, kết hôn một năm, là nhân viên ngân hàng. Gia đình tôi kinh tế tốt, có 3-4 căn nhà mặt tiền và công ty riêng. Chồng tôi làm công ty nhà, con rể làm công ty riêng. Khi chưa cưới con gái tôi, con rể có gia cảnh khó khăn, phải vay tiền họ hàng để làm ăn. Con gái tôi về xác minh tài sản, hai đứa gặp nhau nên biết rõ hoàn cảnh gia đình con rể. Sau khi chúng cưới, con rể mượn tiền vợ chồng tôi để làm ăn, mà mượn nhiều trả ít. Khi số nợ lên 500 triệu thì chúng tôi không đồng ý cho mượn thêm nữa vì chưa cảm thấy tin tưởng. Lúc con rể muốn mượn thêm, tôi nói muốn đứng tên trong công ty con để biết nguồn tiền đi lại thế nào, nhưng sẽ không can thiệp vào bất cứ hoạt động nào của công ty. Nó vâng dạ nhưng không làm. Giờ đã nợ vợ chồng tôi lên tới một tỷ.
Con gái tôi có dành dụm được 500 triệu tiền riêng trước khi cưới cũng đưa hết cho chồng. Vợ chồng tôi cho các con ở riêng trong một căn nhà 5 tỷ, gần nhà chúng tôi. Tôi có dùng tầng hầm bên nhà các con làm kho để hàng. Mỗi khi sang lấy hàng, ban đầu con rể còn chào hỏi, nhưng giờ thì không. Khi các con sinh cháu, con rể còn không muốn cho tôi đụng vào cháu. Tôi nghĩ từ lúc không cho mượn tiền thì nó có thái độ khác hẳn. Cũng không biết có phải do tôi đang nghĩ xấu cho con rể không. Con gái tôi biết chuyện hỏi chồng rằng sao gặp bố mẹ mà không chào. Con rể bảo tưởng là người nhà nên không cần chào. Con gái tôi nói bố mẹ chỉ có mình nó là con, trước sau gì gia sản cũng cho hai vợ chồng hết. Nhưng chồng nó nói là biết bao giờ ông bà ấy chết mà hưởng. Khuyên chồng nhiều lần không được, vậy là chúng cãi nhau. Con gái tôi nói không hay với bố mẹ chồng. Tôi khuyên thì nó bảo muốn cho ông bà ấy biết cảm giác khó chịu khi bị con cái tỏ thái độ hỗn láo.
Tôi không chắc liệu có phải con rể lấy con gái mình vì tiền không? Tôi biết hiện giờ con gái đang đứng giữa ngã ba đường. Nhiều lúc vì con tôi nhịn, nhưng nhiều khi lại nghĩ, con mình sống cùng một người vì tiền như vậy, liệu có sống được không? Phải chăng con rể chỉ trông vào tiền của rồi chờ chúng tôi chết? Tôi rối bời quá. Mong chuyên gia và độc giả cho tôi lời khuyên, nên làm gì, cư xử thế nào cho phải? Xin nói thêm là ngoài những điều này, con rể tôi chăm sóc vợ con rất tốt.
Thùy
GS.TS. Vũ Gia Hiền gợi ý:
Chào bà Thùy,
Cuộc sống rất khó đo lường lòng người. Trong những cái khó đó thì thời gian làm thay đổi lòng dạ là cái khó nhất, vì không ai biết cái gì sẽ diễn ra sau những cái đã kiểm soát được. Tuy nhiên các nhà tâm lý vẫn tìm ra cách đo, đó là động cơ, mục đích và kết quả. Họ tính bài toán ngược, lấy kết quả để đo mục đích.
Chị không cung cấp thông tin về tình cảm của con gái với chàng rể, nhất là trước khi hai bạn trẻ tổ chức cưới. Chị chỉ kể gia đình kinh tế tốt, có 3-4 căn nhà mặt tiền, có công ty riêng, thì có lẽ chàng rể đến vì những của cải này chăng? Nếu đúng vì tiền, khi họ không đạt được mục đích thì động cơ “hết pin”, không còn hoạt động sẽ dẫn đến trở mặt ngay lập tức. Chị kể rằng con gái về xác minh tài sản, gặp con rể nên biết rõ hoàn cảnh gia đình anh ta. Việc này phải xem ai đến với ai, như vậy sẽ biết được động cơ của họ. Chị cần xem lại con gái chị tỏ tình trước hay cậu rể. Nếu là con gái chị thì không phải chàng rể có động cơ vì tiền, nhưng nếu là chàng rể tỏ tình trước và còn có những chiêu độc thì cậu ta có động cơ tham vọng. Người kiểu này sẵn sàng cúi gập mình để theo đuổi mà bất chấp sĩ diện, thủ đoạn. Việc này chỉ có con gái chị biết chắc nhất.
Sau khi cưới xong, chàng rể mượn tiền vợ chồng chị để làm ăn, mà mượn nhiều trả ít là không minh bạch. Người có hành vi không minh bạch thường đi kèm những thủ đoạn khó lường, nhất là khi tham vọng "đào mỏ” gia tăng. Khi số nợ lên 500 triệu thì chị không cho mượn thêm nữa, chị đã làm đúng theo phong cách của nhà kinh doanh, nhưng chưa đúng với tư cách của mẹ vợ. Lẽ ra chị không nên trực tiếp với con rể, chỉ giao dịch tiền với con gái. Với con rể có thể cho đứt nhưng không bao giờ cho mượn, vì khi mượn số tiền lớn như vậy, sớm muộn gì cũng dẫn đến xung đột.
Chị sai lầm tiếp khi muốn đứng tên trong công ty con rể, cách tính này là của người gia trưởng, cậy có tiền và sẽ gây ra thù ghét. Vì cần tiền chứ không muốn mất quyền, nên con rể chị vâng dạ mà không làm. Đây là vấn đề rất khó gỡ vì “cậu ta đã biết bề trên là ai” vì thế cậu ta sẽ dùng thủ đoạn ma mãnh để đạt mục đích với động cơ khác. Nhưng chắc là chị vẫn cho mượn nên số nợ mới lên tới một tỷ. Cộng thêm con gái chị đưa 500 triệu tiền riêng, vậy tổng là 1, 5 tỷ.
Chàng rể hiện nay gặp mặt bố mẹ vợ không chào. Đây là cái đuôi con chuột sau khi rơi hũ gạo. Một người tử tế không vì một lý do gì mà vô đạo đức với bố mẹ vợ, chưa nói còn cho mượn tiền. Thêm việc con rể chị không muốn cho chị đụng vào cháu là thái độ hỗn rõ ràng. Một người có đạo lý không thể xem con mình không có ông bà.
“Con gái tôi biết chuyện mới hỏi chồng rằng sao gặp bố mẹ mà không chào, con rể bảo tưởng là người nhà nên không cần chào”. Đây là thái độ bao biện, có lẽ là còn sợ mất mỏ, không ai cho đào.
Cái bất nhân là “Biết bao giờ ông bà ấy chết mà hưởng” thì không thể tha thứ. Người bất nhân sẽ dẫn đến bất nghĩa và những thủ đoạn khó lường. Con gái chị khuyên chồng nhiều lần không được, vậy là cãi nhau. Hiện tượng này cho thấy sự nhẫn nhục đào mỏ đã đến hồi kết thúc. Con gái chị cũng sai lầm khi không nói được chồng thì tỏ thái độ hỗn láo với cha mẹ chồng. Việc chàng rể chăm sóc vợ con rất tốt, chị cần xem lại động cơ.
Chị không cần nói chuyện tiền bạc với chàng rể nữa, mọi việc để con gái quyết định. Chị cũng không nên tiếp tục tham gia vào việc gia đình của các con. Chị hãy tế nhị để con gái đọc thư trả lời này của chúng tôi, rồi chờ diễn biến. Những kẻ khi không đạt được mục đích thì “không chờ chết” được đâu, họ sẽ chạy nhanh khi không còn cơ hội và thủ đoạn bị lộ.
Chúc chị bình tĩnh.
Muốn được chuyên gia tâm lý tư vấn, mời bạn gửi tâm sự tại đây.
Độc giả gọi điện tâm sự với biên tập viên theo số 02873008899 - máy lẻ 4529 (trong giờ hành chính). Các chia sẻ của bạn sẽ được đăng tải trên Tâm sự.