Khoản 1 Điều 584 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại như sau: Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.
Trong trường hợp này em trai bạn gây tai nạn xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của người khác nên phải có trách nhiệm bồi thường.
Vì bạn không cung cấp thông tin độ tuổi của em trai bạn tại thời điểm gây tai nạn là bao nhiêu nên bạn có thể đối chiếu độ tuổi của em mình với độ tuổi chịu trách nhiệm bồi thường được quy định tại Điều 586 Bộ luật Dân sự 2015 để xác định cha mẹ bạn có bắt buộc phải bồi thường thay cho em trai bạn hay không.
Điều 586 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cá nhân như sau:
1. Người từ đủ 18 tuổi trở lên gây thiệt hại thì phải tự bồi thường.
2. Người chưa đủ 15 tuổi gây thiệt hại mà còn cha mẹ thì cha mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại; nếu tài sản của cha mẹ không đủ để bồi thường mà con chưa thành niên gây thiệt hại có tài sản riêng thì lấy tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu, trừ trường hợp quy định tại Điều 599 của Bộ luật Dân sự năm 2015.
Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi gây thiệt hại thì phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu không đủ tài sản để bồi thường thì cha, mẹ phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của mình.
3. Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi gây thiệt hại mà có người giám hộ thì người giám hộ đó được dùng tài sản của người được giám hộ để bồi thường; nếu người được giám hộ không có tài sản hoặc không đủ tài sản để bồi thường thì người giám hộ phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu người giám hộ chứng minh được mình không có lỗi trong việc giám hộ thì không phải lấy tài sản của mình để bồi thường.
Như vậy, nếu em trai bạn đã đủ 18 tuổi và đủ năng lực hành vi dân sự thì phải tự chịu trách nhiệm về việc bồi thường cho các nạn nhân trong vụ tai nạn. Cha mẹ bạn không có nghĩa vụ bắt buộc phải bồi thường thay.
Tuy nhiên, việc thực hiện nghĩa vụ bồi thường, một phần nghĩa vụ bồi thường thiệt hại cho bị hại được coi là một trong những tiêu chí, điều kiện để cơ quan thi hành án hình sự có căn cứ đề nghị tòa án có thẩm quyền quyết định giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù cho người bị kết án (Điều 63 Bộ luật Hình sự).
Gia đình bạn có thể thương lượng với gia đình nạn nhân xin được bồi thường theo tháng hoặc khi nào có tiền sẽ tiếp tục bồi thường.
Luật sư Hoàng Anh Sơn
Đoàn luật sư TP HCM