Nguyên tắc Tòa án xét xử công khai được thể hiện trong 3 đạo luật tố tụng hiện hành của Việt Nam như sau:
- Điều 25 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định: Tòa án xét xử công khai, mọi người đều có quyền tham dự phiên tòa, trừ trường hợp do Bộ luật này quy định. Trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật Nhà nước, thuần phong, mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người dưới 18 tuổi hoặc để giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự thì Tòa án có thể xét xử kín nhưng phải tuyên án công khai.
- Khoản 2 Điều 15 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định: Tòa án xét xử công khai. Trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật Nhà nước, giữ gìn thuần phong mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người chưa thành niên hoặc giữ bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của đương sự theo yêu cầu chính đáng của họ thì tòa án có thể xét xử kín.
Như vậy, như bạn trình bày thì tòa án thông báo vụ án được xét xử công khai nhưng khi bạn muốn vào xem thì lại bị cấm, việc cấm nếu xét ra là không đúng, vì tinh thần của pháp luật là "tòa án xét xử công khai, mọi người đề có quyền tham dự phiên Tòa".
Thực tế hiện này nhiều người chưa hiểu rõ điều luật này và muốn đảm bảo an ninh cho phiên tòa nên đã cấm những người không liên quan tham dự vụ án cho dù đó là phiên tòa công khai.
Phiên tòa có đảm bảo an ninh hay không thì trách nhiệm thuộc về cán bộ hỗ trợ tư pháp và khi phiên tòa đã diễn ra dưới sự điều hành chủ động của Hội đồng xét xử thì việc cho người dân vào tham dự để biết là phù hợp cũng nhằm mục đích phổ biến pháp luật đến mọi công dân.
Khi bạn muốn tham dự phiên tòa thì cần xuất trình giấy tờ tùy thân để cho bộ phận an ninh tòa án giữ lại là đủ điều kiện tham dự.
Ngoài ra, bạn cũng cần chú ý về nội quy phiên tòa, được quy định tại Điều 234 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định về nội quy phiên tòa dân sự, và Điều 256 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định về nội quy phiên tòa hình sự.
Trong đó, có một số nội quy chung, như về độ tuổi, người dưới 16 tuổi không được vào phòng xử án, trừ trường hợp được tòa án triệu tập tham gia phiên tòa; trang phục nghiêm chỉnh; không đội mũ, nón, đeo kính màu trong phòng xử án, trừ trường hợp có lý do chính đáng và được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa; không sử dụng điện thoại di động, không hút thuốc, không ăn uống trong phòng xử án hoặc có hành vi khác ảnh hưởng đến sự tôn nghiêm của phiên tòa...
Các trường hợp vi phạm nội quy phiên tòa sẽ bị phạt 100.000 đồng đến 15 triệu đồng (Theo Điều 23 Pháp lệnh 02/2022/UBTVQH15).
Luật sư Nguyễn Đại Hải
Công ty Luật TNHH Fanci