Người gửi: Vatlyvietnam
Gửi tới: Ban Khoa học
Tiêu đề: Khoa học hay tình cảm?
Tôi đã đọc tỉ mỉ 45 trang giấy của tác giả Bùi Minh Trí trong suốt 2 ngày. Và qua những điểm chỉ ra dưới đây, tôi cho rằng tác giả, đúng như nhận xét của tiến sĩ Nguyễn Anh Kỳ là "chủ quan và thiếu hiểu biết "
1. Khái niệm Trường quyển mâu thuẫn
Định nghĩa của tác giả "trường quyển hấp dẫn năng lượng không gian của vật thể gọi tắt là trường quyển vật thể" cùng với các tính chất:
- Vùng trường quyển gần mặt đất có VQT » 7909m/s (Trang15).
- Trường quyển của vật thể có hình dáng cong gần với khối cầu (T. 17).
- Trường quyển cong (có Mặt trăng chuyển động quán tính trong đó) (T.17).
- Vùng trường Graviton chịu sức hấp dẫn của khối lượng vật thể có bán kính giới hạn tạo nên trường quyển Graviton của vật thể.
- Trường Graviton là môi trường không gian động. Hạt Graviton chuyển động hướng tâm trường quyển. Trường quyển nhỏ chuyển động trong trường quyển lớn (T.20).
- Trường quyển vật thể có tâm. Tâm vật thể là tâm trường quyển của vật thể (T.20).
- Trường quyển vật thể là vùng trường Graviton chịu sức hấp dẫn của khối lượng vật thể tâm trường.
- Trường quyển Graviton của vật thể không làm thay đổi khối lượng.
Trường quyển Graviton của vật thể chỉ làm thay đổi trọng lượng (qua gia tốc áp lực) (T.25).
- Bán kính quỹ đạo (RQD) của vệ tinh xa nhất đều nhỏ hơn bán kính trường quyển (RTK) của hành tinh là phù hợp với thực tế ( T.34).
Theo khái niệm và đặc tính trên, Trường quyển của tác giả vừa choán đầy không gian (vô hạn) lại có bán kính (hữu hạn), như vậy là mâu thuẫn.
2. Vận tốc quán tính mơ hồ
- Vùng trường quyển đó có VQT » 7907m/s ( T.6).
- Vùng trường Graviton = trường quyển, chuyển động hướng tâm vật thể với gia tốc (g) (T.23.
- Theo Thuyết hấp dẫn mới trong tự nhiên chỉ có vận tốc quán tính xác định trên quỹ đạo trong trường quyển cụ thể ( T.23).
Nếu xung quanh vật thể là trường quyển, tạo bởi các hạt Graviton như tác giả nói, trong khi "Tâm của trường quyển" trùng với Tâm của vật thể thì không có chuyện các hạt này cùng có một vật tốc quán tính.
3. Dẫn chứng về tàu Voyager 2 là sai
Tàu thám hiểm vũ trụ Voyager 2 của Mỹ được phóng năm 1977, tới đầu tháng 11 năm 2003 đã cách xa Mặt Trời khoảng 13,5 tỉ km, máy đo trên tàu ghi nhận tốc độ ánh sáng chậm lại ( T.37).
Hiện tượng vận tốc ánh sáng chậm lại tại miền biên Thái Dương Hệ là một kiểm chứng tốt, xác nhận tính đúng đắn của thuyết hấp dẫn mới (T.37).
Trích từ http://science.nasa.gov/headlines/y2...solarblast.htm: Vật chất cực quang = coronal mass ejections (CMEs) phát ra từ mặt trời có vận tốc là từ 1500 đến 2000 km/s, so sánh với vận tốc đo được trên tàu Voyager 2 là 600 km/s. Ở đây, vận tốc cực quang giảm do quãng đường xa hơn chứ không phải vận tốc ánh sáng đo được giảm.
4. Mới và cũ
Thật kỳ diệu, một điều không tưởng đã thành hiện thực: Thuyết hấp dẫn mới đã giải quyết được vấn đề Newton hằng trăn trở với phát triển bất ngờ: Chính Newton vĩ đại đã ngộ nhận cơ chế hấp dẫn (T.41)
Tác giả đã đánh đồng khái niệm Trường Quyển của mình với Trường Graviton, trong khi hạt Graviton là con đẻ của Vật Lý Hạt, có tuổi đời không dưới 30 năm.
Chỉ cần qua 4 dẫn chứng trên, tôi cho rằng, không cần phải các nhà khoa học quốc tế nhận định mà một học sinh lớp 12 ở Việt Nam đọc xong "công trình" của tác giả cũng tìm ra được những mâu thuẫn ở ngay chính khái niệm, định nghĩa chứ không cần so sánh đến cơ học Newton, cơ tương đối tính hay cơ lượng tử .
Việc nhận xét của Tiến sĩ Bùi Ngọc Oánh thiên về tình cảm nhiều hơn khoa học và có lẽ nó hợp với thể loại nửa cháo nửa chè của "thuyết hấp dẫn mới " này.