Khi biết bệnh, 27 năm cuộc đời mình bỗng hiện lên chậm như cuốn phim sắc nét tới từng ngóc ngách. Mình sinh ra ở một vùng núi trung du Bắc bộ, nơi phần lớn mọi người không đào đâu ra nhiều hơn 20 nghìn đồng một ngày, thịt bò là một thứ xa xỉ tới mức chỉ được ăn trong những ngày lễ Tết. Quê mình nghèo tới thê thảm, mình lại là đứa trẻ mồ côi cha nữa. Vẫn nhớ ông ngoại đã bế mình khi còn nhỏ, nói rằng dòng máu của nhà nội mình là dòng máu độc. Ông nội mất vì bệnh tật không rõ nguyên nhân khi chưa tới tứ tuần, bà nội mất vì ung thư vòm họng, 6 người con của ông bà, tính cả bố mình thì 4 người bị ung thư mà mất. Nhà ngoại lại có gen rất tốt, lai Pháp từ đời cụ ngoại. Ngoại hình mình có nét gì đó thừa hưởng từ nhà ngoại, cao to, tóc xoăn, mũi cao và mắt màu xám. Ngoại hình thì có vẻ thế thôi, chứ hồi đấy nhà mình nghèo lắm, tới năm lớp 6 mình vẫn tin thứ sữa được in trên những quyển báo Thiếu niên tiền phong trong thư viện trường là nước bột sắn mẹ hay pha cho mình uống.
Mình không phải là đứa trẻ học quá giỏi, thật sự là như vậy. Ví dụ như khi đi học lúc nào cũng chỉ xếp được top 5 lớp là cao, đi thi học sinh giỏi huyện cũng không được giải nhất bao giờ. Có điều luôn được bình bầu vào danh sách nhận thưởng của địa phương. Chắc các thầy và các bạn thương mình nghèo quá, dù khi đó ai cũng khó khăn. Khi đi học, mình thường thấy khác biệt với các bạn xung quanh, họ nói mình hay mơ mộng viển vông về những đất nước xa xôi mà chỉ có thể đọc trong báo.
Cùng với hai điểm cộng tình nghĩa quê hương, mình đỗ được vào trường Kinh tế. Mình là học sinh thứ hai trong lịch sử của trường đỗ được vào trường điểm của thủ đô, được gọi lên xã tặng thưởng một triệu đồng. Hồi đó học Kinh tế chưa đắt đỏ như các em bây giờ, mình mang theo bao gạo và 40 trứng vịt, cùng với việc đi gia sư cho hai đứa bé tiểu học một gia đình đồng hương, thế mà có thể học hết được 4 năm đại học, ra trường với bằng giỏi. Khi đó một người bạn giới thiệu với mình chương trình học bổng đi Hàn Quốc, sẵn tự học tiếng Hàn cùng nhau từ hồi là sinh viên, hai đứa rủ nhau ứng tuyển. Mình thấy bằng cấp năng lực hai đứa tương đương mà mình được nó lại trượt, mình nghĩ chắc ở vòng phỏng vấn người ta đã chọn mình. Mình vẫn nhớ như in câu trả lời khi ấy: "Tại sao tôi lại muốn đi ra nước ngoài? Tôi và những đứa trẻ miền núi nơi tôi sống đã lớn lên như những cây dại ở một vùng đất vô danh không ai biết. Chúng chưa bao giờ biết được thế giới là như thế nào. Tôi sẽ đi về và kể với mọi người những điều tuyệt vời xảy ra ở bên kia thế giới. Ước mơ của tôi? Tôi muốn mọi đứa trẻ đều được lớn lên một cách hạnh phúc. Giờ tôi không biết làm sao để làm được điều đó. Tôi phải đi học để tìm câu trả lời".
Ngày mình bay sang Hàn Quốc, mẹ gói một nắm xôi để ăn trên máy bay. Học hết chương trình ở đó, mình học tiếng Đức và lấy tiếp được học bổng, học bằng thạc sĩ thứ 2 ở Đức và làm tiếp nghiên cứu sinh tiến sĩ luôn. Mình học về tài chính, đầu tư và tiền tệ. Tại sao có những vùng đất có thể nghèo khó như quê hương của mình, nơi đứa trẻ nào cũng phải biết chăn trâu, chăn vịt? Tại sao lại có những nơi giàu có tột đỉnh như thủ đô Tokyo của Nhật, nơi mọi thứ đều tự động hóa bằng máy móc. Càng đi nhiều mình càng có nhiều câu hỏi hơn. Mong muốn được trở nên giỏi hơn, làm được gì đó cho Việt Nam càng lúc càng cháy bỏng hơn.
Rồi mình bị bệnh, đây không phải là một tin bất ngờ. Mình đã chuẩn bị cả đời cho số mệnh sẽ tới vào lúc nào đấy, chỉ là nó quá sớm. Mình chưa bao giờ ăn đồ đóng hộp, đồ ăn nhanh, đồ chiên rán và nước ngọt có ga; chưa bao giờ uống rượu, dùng chất kích thích; mỗi ngày đều đi bộ nhiều hơn 2 km. Mình chỉ thức khuya, cà phê và lao lực là thứ không thể tránh khỏi. Gen di truyền ung thư là có thật hay không? Mình cũng không thể đổ lỗi cho những tiền nhân đã yểu mệnh ra đi trong dòng họ. Chồng chưa cưới người Đức nói mình nên ở lại đây, nơi hệ thống y tế tiên tiến và mình có bảo hiểm, cơ hội sẽ nhiều hơn, bởi ung thư của mình chưa di căn dù bác sĩ tiên lượng không được tốt. Nếu mẹ biết chắc chắn cũng muốn mình ở lại để kéo dài sự sống dù chỉ thêm một ngày. Khi mình mới 3 tuổi đã theo mẹ về ở nhà ông bà ngoại, mẹ đã bán nhà, bán thóc, bán đàn vịt và cả con chó mực chỉ để giữ bố sống thêm được vài ngày. Mẹ là người như vậy, không bao giờ đầu hàng số phận.
Có điều con người ta khi đến cửa chết chỉ muốn ít nhất có thể chết ở quê hương, giống như con cáo chết 3 năm quay đầu về núi. Người nói bao nhiêu ngôn ngữ, khi nói lời trăn trối cũng chỉ thốt lên bằng tiếng mẹ đẻ. Mình muốn về thăm lại gia đình, núi non xưa khi còn khỏe mạnh; muốn ăn cùng mọi người những bữa ngon và lang thang đạp xe trên những con đường mòn băng đồng. Mình muốn ngủ với mẹ những giấc êm đềm cuối cùng. Nếu nhập viện ở bên này, có lẽ đến chết cũng không thể chết ở quê nhà, nhắm mắt xuôi tay ở bệnh viện cách xa núi non xưa hàng chục ngàn dặm.
Khác với những người trẻ bị ung thư khác, mình không nuối tiếc vì đã dành cả cuộc đời cho việc học và đấu tranh với sự nghèo khó. Mình tin rằng bản thân đã để lại được điều gì đó. Mẹ nói ngôi trường cũ của mình vẫn thỉnh thoảng mời mẹ về dự trong buổi khai giảng cho học sinh mới, nơi thầy hiệu trưởng cũ vẫn kể về câu chuyện của một đứa trẻ chăn vịt đã đi tới Hà Nội ra sao, ra quốc tế như thế nào, xuất hiện trên báo chí làm sao. Trong những đứa trẻ nghèo ở vùng vô danh ấy, sẽ có đứa còn đi xa hơn và giỏi hơn mình ngàn lần.
Có lẽ cuối tuần sau mình sẽ bán chiếc ôtô cũ, rút hết tiền trong tài khoản, gói ghém một chút quà và bay về Việt Nam, bỏ lại những con số sổ sách, bỏ lại những hào hoa của cuộc sống phương Tây, bắt chuyến xe khách trở về với căn nhà nhỏ và nói với mẹ "Mẹ ơi, con đã về". Có lẽ mẹ vẫn còn một đàn vịt cho mình chăn.
Lệ
Độc giả gọi vào số 09 6658 1270 để được hỗ trợ, giải đáp thắc mắc.