Sự việc một nhà tuyển dụng ở Singapore hủy lịch hẹn trong tức giận khi ứng viên đề nghị phỏng vấn trực tuyến được chia sẻ trên mạng xã hội đầu tháng 12 năm nay, gây tranh cãi.
Những người đồng tình với bên tuyển dụng cho rằng gặp mặt trực tiếp hiệu quả hơn và việc yêu cầu đổi hình thức phỏng vấn là thiếu tôn trọng, không biết giữ lời. Trong khi đó, phe ủng hộ ứng viên nói phỏng vấn online rất hiệu quả, nên được bình thường hóa và sử dụng thường xuyên hơn.
Khảo sát năm 2020 của công ty chuyên nghiên cứu dữ liệu Gartner cho thấy đại dịch khiến 86% công ty phải thực hiện các cuộc trao đổi qua mạng. Tương tự như việc chuyển đối các khía cạnh khác của công việc, áp dụng số hóa, tự động hóa, sử dụng trí tuệ nhân tạo dần trở thành xu hướng tuyển dụng mới. Nhưng khi dịch bệnh được đẩy lùi, người lao động dần trở lại văn phòng, việc trao đổi trực tuyến liệu có cần thiết được duy trì nữa hay không?
Ưu điểm dễ nhận thấy nhất của một buổi phỏng vấn online là tiết kiệm thời gian. Nhà tuyển dụng chỉ mất vài phút để xác định một ứng viên có phù hợp với vị trí đó hay không. Khi việc trao đổi diễn ra qua màn hình, họ có thể sàng lọc được nhiều ứng viên hơn do không thời gian di chuyển hoặc chờ đợi.
Nhiều cuộc phỏng vấn hiện nay còn sử dụng các video được quay trước. Ứng viên sẽ trả lời một loạt câu hỏi qua video và được đánh giá bằng trí tuệ nhân tạo dựa trên hình ảnh, từ khóa, giọng điệu hoặc thuê người có đủ khả năng chọn lọc các bản ghi.
Chưa kể, phương pháp này còn đặc biệt phù hợp với những đơn vị muốn tìm người cho vị trí yêu cầu khả năng trình bày hay giao tiếp trực tuyến.
Bên cạnh điểm mạnh, hình thức phỏng vấn này vẫn tồn tại nhiều điểm hạn chế. Một trong số đó là yêu cầu bắt buộc về kết nối Internet ổn định và thiết bị điện tử có khả năng gọi video tốt, nhưng đây lại là yếu tố chứa đựng nhiều rủi ro khó lường trước.
Crystal Lim-Lange, giám đốc điều hành của Forest Wolf, công ty tư vấn phát triển tài năng và lãnh đạo toàn cầu, nói rằng từng chứng kiến những cuộc phỏng vấn bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì đường truyền và micro kém chất lượng. "Điều này cũng thiếu công bằng với người có điều kiện kinh tế eo hẹp khi họ chưa đủ khả năng đáp ứng yêu cầu về công nghệ", Crystal nói.
Trí tuệ nhân tạo cũng là một vấn đề gây nhiều tranh cãi bởi đánh giá của thiết bị còn phụ thuộc phần lớn vào nguồn dữ liệu được cung cấp. Chưa kể những quyết định này cũng có thể mang tính phân biệt chủng tộc hoặc giới tính.
Trong một nghiên cứu của Viện Công nghệ Georgia (Mỹ), khi được yêu cầu tìm kiếm trong danh mục "bác sĩ", robot ít có khả năng đưa ra kết quả là nữ vì hiện tỷ lệ bác sĩ nữ hành nghề ít hơn rất nhiều so với nam giới.
Ngoài ra, không ít ứng viên cảm thấy thiếu thoải mái trước ống kính, khiến sự căng thẳng vốn có trong mỗi cuộc phỏng vấn trở nên tồi tệ hơn. Một số công ty coi đây như phần bổ sung của bài kiểm tra đối với các ứng viên, nhưng không tránh khỏi việc vô tình loại người có năng lực chỉ vì một lần trình bày chưa tốt.
Trao đổi trực tiếp là cơ hội để người phỏng vấn được hiểu thêm về thái độ, tính cách của từng ứng viên. Những chi tiết nhỏ như cách cư xử, tương tác với lễ tân và nhân viên hỗ trợ sẽ là cơ sở quan trọng để đánh giá được mức độ phù hợp của họ với công việc.
Cùng với đó, người lao động cũng có thể tiếp xúc và hiểu một phần văn hóa, môi trường công sở trước khi làm việc, từ đó biết được mình có thực sự thích nghi được với công việc đang ứng tuyển hay không.
Theo chuyên gia, mỗi hình thức đều có những mặt lợi, hại riêng. Nhưng khi xu hướng làm việc kết hợp đang ngày càng nổi trội, hoạt động tuyển dụng sẽ dần thay đổi. Các công ty có thể sử dụng kết hợp, phỏng vấn online để sàng lực và gặp mặt trực tiếp để chọn ra người cuối cùng cho những vị trí cần tuyển.
"Nhưng dù là qua mạng hay trực tiếp đối diện, cơ hội tốt nhất để chọn ra nhân tài là tập trung vào yếu tố con người thay vì sa đà vào hình thức", ông Crystal nhấn mạnh.
Minh Phương (Theo CNA)