Trong câu hỏi gửi về VnExpress, chị Phương cho biết, chồng chị không tham gia đóng góp vào việc đầu tư kinh doanh này. Hơn nữa, nhiều năm nay chị không tìm được tiếng nói chung với anh trong các vấn đề lớn của gia đình. Vấn đề tài chính cả hai thỏa thuận "tiền ai người ấy xài".
Chị muốn mua một căn hộ để "phòng hờ" lỡ quan hệ vợ chồng xấu đi, chị và các con không lo chỗ ở. Khi con trai trưởng thành chị sẽ sang tên lại cho cháu.
Chị đã tìm được người thân để nhờ đứng tên trong các giao dịch nhưng cũng còn đắn đo, không biết nên thỏa thuận thế nào để tránh phát sinh các rắc rối sau này.
Luật sư Đặng Thị Thúy Huyền (Công ty Luật HPL và cộng sự) cho rằng, trước khi chị quyết định có nên nhờ người đứng tên, hay lưu ý gì khi nhờ người đứng tên mua nhà, thì cần xác định khoản tiền mua nhà này có phải là tài sản riêng hay không.
Theo quy định tại Điều 43 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014: Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân... và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng. Khoản 2 điều luật này cũng quy định: Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của vợ, chồng cũng là tài sản riêng của vợ, chồng.
Do đó, nếu có cơ sở xác định khoản tiền chị đề cập có nguồn gốc từ tài sản riêng thì chị có toàn quyền định đoạt, nên không cần phải nhờ người khác đứng tên mua nhà, hạn chế rủi ro.
Theo khoản 1 Điều 33 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 : Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.
Tuy nhiên, vì khoản tiền này do chị tạo ra từ việc đầu tư kinh doanh trong quá trình hôn nhân, nên được xác định là tài sản chung và chồng chị vẫn có những quyền, nghĩa vụ nhất định.
Như vậy, để có thể tách bạch khoản tiền này trong khối tài sản chung hiện hữu giữa chị và chồng, thì chị có thể thỏa thuận với chồng thực hiện thủ tục chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân theo Điều 38 Luật Hôn nhân và Gia Đình 2014.
Trên thực tế, việc nhờ người khác đứng tên trên giấy tờ giao dịch, chứng nhận quyền sử dụng, sở hữu nhà đất tiềm ẩn nhiều rủi ro, rắc rối khi họ dùng nhà của chị để bán, thế chấp... hay họ đột ngột qua đời.
Vì vậy, nếu chị vẫn muốn nhờ người khác đứng tên thì cần lưu ý: nhờ người gần gũi, đáng tin cậy (có thể là người thân trong gia đình) đứng tên hộ; ràng buộc nghĩa vụ của họ trước khi thực hiện giao dịch mua bán bằng cách lập văn bản cam kết/thỏa thuận rõ ràng, được công chứng tại văn phòng công chứng; lưu trữ chứng từ, hóa đơn khi tiến hành các giao dịch đặt cọc, mua bán nhà ở trường hợp phát sinh tranh chấp giữa người được nhờ đứng tên và chủ sở hữu thật sự.
Bình Nguyên