Theo khoản 14 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của tòa án.
Điều 51 của luật này cũng quy định, vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu tòa án giải quyết ly hôn.
Căn cứ vào các quy định trên, ly hôn là một trong những quyền cơ bản của con người đã được pháp luật ghi nhận, không ai được can thiệp. Nói cách khác, dù có mối quan hệ thân thuộc, gắn bó như cha mẹ, nếu có hành vi cản trở việc con cái ly hôn đều có thể xem xét là hành vi vi phạm pháp luật.
Cụ thể, tại điểm đ khoản 1 Điều 59 Nghị định 82/2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình... có quy định chế tài đối với hành vi cản trở ly hôn là sẽ bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.
Như vậy, ông (bà) không được ngăn cản chuyện con cái ly hôn. Tuy nhiên, ở góc độ là cha mẹ, ông bà trước hết tìm hiểu kỹ lý do vì sao con gái muốn ly hôn để biết tình trạng hôn nhân của con. Từ đó, ông (bà) phân tích, đưa ra lời khuyên cho các con để họ tự quyết định có ly hôn hay không, chứ không nên bằng mọi cách cản trở việc con ly hôn.
Trong trường hợp cuộc sống của con gái ông bà không hạnh phúc, mục đích hôn nhân không đạt được thì việc ly hôn cũng là giải pháp.
Luật sư Võ Đan Mạch
Công ty luật TNHH MTV Ta Pha