Không ít chị em "rỉ tai" nhau rằng mì chính, hay còn gọi là bột ngọt, cho vào thức ăn khi đang nấu (ở nhiệt độ cao) sẽ bị biến thành chất có hại cho sức khỏe. Tuy nhiên, các tài liệu khoa học đã ghi nhận: tại những nhiệt độ nấu ăn thông thường khác nhau, bột ngọt không tạo ra bất kỳ chất độc nào ảnh hưởng đến sức khỏe.
Thạc sĩ, bác sĩ Lưu Thị Mỹ Thục, Trưởng khoa Dinh dưỡng Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: khi gia nhiệt, bột ngọt có thể chuyển thành một dạng dẫn xuất với tên gọi là pyro-glutamate, một chất quen thuộc tồn tại trong rất nhiều nguồn thực phẩm tự nhiên và được đánh giá là an toàn bởi Ủy ban An toàn Thực phẩm châu Âu. Chỉ khi ở những nhiệt độ rất cao, khoảng hơn 300 độ C và nấu liên tục trong một thời gian dài, bột ngọt mới bị biến đổi và mất tác dụng điều vị. Như vậy, khi nấu canh (nhiệt độ sôi của nước là 100 độ C) hay chiên cá (nhiệt độ sôi của dầu ăn khoảng 250 - 260 độ C) thì bột ngọt gần như không bị ảnh hưởng.
"Thực tế cho thấy bột ngọt không dễ bị biến đổi thành chất ảnh hưởng đến sức khỏe tại nhiệt độ nấu ăn thông thường nên quan điểm tắt bếp mới nêm bột ngọt là một hiểu lầm rất thường gặp ở các bà nội trợ. Chị em có thể nêm nếm bột ngọt vào bất kỳ thời điểm nào trong khi chế biến món ăn", chuyên gia dinh dưỡng cho biết.
Ngọc Bích