Theo thống kê của Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA), 2024 là năm vàng trong nước tăng mạnh nhất 14 năm. Vàng nhẫn trơn có thời điểm lập kỷ lục 90 triệu đồng một lượng, tăng với biên độ trên 40% so với đầu năm. Còn vàng miếng ghi nhận hiệu suất sinh lời kém hơn (cao nhất chỉ khoảng 24%), trước chính sách can thiệp của Ngân hàng Nhà nước.
Ông Huỳnh Trung Khánh, Phó chủ tịch VGTA, nhìn nhận đà tăng của giá vàng năm ngoái, là hiếm thấy, được cộng hưởng bởi 3 yếu tố: Mỹ giảm lãi suất, căng thẳng địa chính trị gia tăng và lực mua từ các ngân hàng trung ương.
Dự báo về diễn biến giá vàng năm 2025, ông Khánh cho rằng đây vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn, song dư địa tăng không còn lớn như năm ngoái. Các yếu tố ủng hộ đã được phần nào phản ánh vào đà tăng kỷ lục của kim loại quý năm 2024.
Trong báo cáo triển vọng giá vàng 2025 công bố cuối năm ngoái, WGC đánh giá kim loại quý vẫn có tiềm năng tăng, nếu nhu cầu của các ngân hàng trung ương mạnh hơn dự báo hoặc tình hình tài chính kém đi, kéo nhu cầu trú ẩn lên cao. Dù vậy, mức tăng năm 2025 có thể chậm hơn năm ngoái, thách thức là việc lãi suất giảm chậm lại so với dự báo.
Lực mua của các ngân hàng trung ương và nhu cầu trú ẩn tăng vài năm qua, do biến động kinh tế - chính trị trên toàn cầu. Lo ngại về khối nợ công của các nước châu Âu, cùng với bất ổn tại Trung Đông, Đông Âu và nhiều nước khác vẫn kéo giá lên. "Nhìn chung, tình hình hiện tại thôi thúc nhà đầu tư trú ẩn, ví dụ như mua vàng, để đối phó rủi ro", WGC cho biết.
Các nhà phân tích tại Goldman Sachs cũng cho rằng việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) giảm lãi suất chậm lại trong năm 2025 có thể kéo tụt nhu cầu của các quỹ ETF vàng. Điều này khiến giá cuối năm nay khả năng chỉ lên 2.910 USD và giữa 2026 mới chạm mốc 3.000 USD một ounce. Năm ngoái, Goldman Sachs kỳ vọng kim loại quý chạm mốc 3.000 USD trong 2025.
Người chưa sở hữu vàng, theo ông Khánh, có thể phân bổ 10% danh mục vào kênh đầu tư này. Còn với người dân đã có vàng, ông khuyên nên cân nhắc nếu mua ở vùng giá cao. Hiện mỗi ounce vàng thế giới lập kỷ lục gần 2.900 USD một ounce, bỏ xa đỉnh cũ xác lập cuối năm ngoái.
Giá vàng miếng và nhẫn trơn hiện cũng tiệm cận nhau, dao động quanh 90 triệu đồng một lượng tính đến sáng nay. Giữa hai loại vàng này, Phó chủ tịch VGTA cho rằng vàng miếng là thương hiệu quốc gia do đó vẫn có độ uy tín cao hơn. Song, vàng nhẫn trơn là lựa chọn phù hợp với nhà đầu tư để "tích sản" với số tiền nhỏ.
Tuy nhiên, việc mua vàng, kể cả vàng miếng và nhẫn trơn, hiện cũng không thuận lợi. Vàng miếng chỉ được bán khi đặt trước trực tuyến tại 4 ngân hàng quốc doanh và Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC), còn các thương hiệu khác gần như đã dừng phân phối từ tháng 6 năm ngoái do không có nguồn.
Với nhẫn trơn, người dân vẫn có thể mua được tại các tiệm kim hoàn nhỏ lẻ, song tại các thương hiệu lớn như DOJI, PNJ, Mi Hồng..., mặt hàng này thường rơi vào tình trạng cháy hàng cục bộ.
Quỳnh Trang