Tôi 26 tuổi, lấy chồng được hơn một năm và có một bé gần 2 tuổi. Chồng hơn tôi 2 tuổi, anh là người hiền lành, đàng hoàng, yêu vợ thương con.
Khi con được gần một tuổi, phải nhờ sự can thiệp của cơ quan chồng và họ hàng hai bên, mẹ chồng mới đồng ý cho chúng tôi cưới nhau. Sau ngày cưới, bà gọi tôi vào phòng riêng nói chuyện. Bà bảo không bao giờ chấp nhận đứa con dâu như tôi, việc cưới xin chỉ là bất đắc dĩ. Giờ bà đối xử thế nào tôi cũng phải chịu. Tôi đừng trách bà, hãy về trách bố mẹ tôi không biết dạy con.
Sau khi cưới được một tuần, chồng tôi lên đơn vị làm việc (anh ấy là bộ đội chuyên nghiệp), mẹ con tôi ở cùng bà. Bà thường xuyên chửi mắng, bắt bẻ và nói xấu tôi. Khi chồng tôi về, bà tỏ ra thương mến, chiều chuộng tôi nhưng khi anh đi rồi, bà lại gọi điện phàn nàn để chồng nghĩ xấu về tôi.
Chồng tôi rất nghe lời mẹ. Anh bảo bố mất sớm, mẹ vất vả sớm khuya để nuôi anh ấy khôn lớn, là người con duy nhất trong nhà, anh ấy phải báo hiếu cho mẹ. Mỗi lần nghe mẹ phàn nàn về tôi, anh lại trách mắng tôi rồi sau đó vợ chồng to tiếng, cãi vã nhau.
Quá mệt mỏi, tôi đã đề nghị ly hôn nhưng chồng không chịu. Giờ tôi không biết phải làm sao, tôi không thể sống chung với mẹ chồng được. (Hằng)
Trả lời
Trong hoàn cảnh không được ở gần chồng, cũng không nhận được sự cảm thông từ mẹ chồng, hẳn là em khó tránh khỏi những lúc tủi thân.
Cuộc hôn nhân nào cũng có những vấn đề. Nếu người ta chưa cố gắng hết sức để giải quyết vấn đề đã vội nghĩ tới chuyện ly hôn thì đổ vỡ, tổn thương là điều không tránh khỏi. Đã khi nào em tưởng tượng cuộc sống sau khi ly hôn của mình và con sẽ như thế nào? Mong là em sẽ tạm thời gạt qua một bên những ấm ức để có cái nhìn tích cực, sáng suốt hơn về cuộc hôn nhân của mình, để đưa ra quyết định tốt cho tất cả mọi người.
Khi em và chồng còn đang yêu nhau, mẹ chồng đã phản đối gay gắt mối quan hệ này. Tới lúc em về làm dâu, bà đã đón nhận em với tâm thế miễn cưỡng. Vì vậy, việc bà gây khó dễ cho em trong quá trình chung sống là điều có thể dự đoán trước.
Thay đổi định kiến của bà về em là không dễ dàng. Em mới về làm dâu được một năm, thời gian chưa đủ để bà hiểu em. Mặt khác, em cũng cần nhìn nhận lại xem bản thân mình đã cố gắng để hiểu bà, rút ngắn khoảng cách với bà chưa? Em đã thực hiện bổn phận, trách nhiệm, tình thương của một người con dâu với mẹ chồng như thế nào?
Bố chồng em mất sớm, một mình mẹ chồng nuôi nấng con trai lên người hẳn là rất khó khăn. Có thể chính điều đó đã khiến bà trở nên khắt khe. Bao nhiêu năm qua, tình yêu thương của bà dồn hết vào con trai, để nuôi dạy chồng em khôn lớn, trưởng thành, để em có một người chồng biết yêu thương vợ con, tu chí làm ăn. Vậy vợ chồng em đã làm những gì để bày tỏ lòng biết ơn với bà? Vợ chồng đã biết giữ ý tứ, tránh việc thể hiện tình cảm với nhau quá lộ liễu trước mặt bà, khiến bà tủi thân?
Chồng em mặc dù rất yêu vợ, nhưng lại không thể đứng ra bênh vực em, anh ấy cũng có cái khó của anh ấy. Nếu em cứ gây áp lực, nói xấu hay tố cáo mẹ chồng, buộc anh ấy phải chọn lựa giữa em và mẹ, chỉ khiến anh ấy cảm thấy mệt mỏi, vợ chồng cãi vã, tình cảm rạn nứt.
Điều quan trọng lúc này là làm sao để anh ấy tin em, hiểu những nỗi khổ của em từ đó có biện pháp động viên, hỗ trợ em trong công cuộc hóa giải mâu thuẫn mẹ chồng - nàng dâu.
Hãy thu xếp thật khéo léo để chồng em có dịp tận mắt chứng kiến những hành vi ứng xử quá đáng của mẹ chồng hoặc tìm kiếm những bằng chứng xác thực cho thấy mẹ chồng đang có ý định chia rẽ hai người để anh ấy có cái nhìn khách quan, thực tế hơn.
Nếu như khi mọi chuyện đã “rõ như ban ngày” mà anh ấy vẫn mù quáng tin theo lời mẹ để làm tổn thương em, khi đó em hãy có những giải pháp cụ thể cho cuộc sống riêng của mình với những cân nhắc xa hơn cũng chưa muộn.
Mong em bình tĩnh, sáng suốt!
Chuyên viên tâm lý Phạm Hoa
Đoàn tâm lý SunnyCare - Tổng đài tư vấn 19006233