Độc giả: Hồng Linh
Theo kiến trúc Trương Thành Trung (Công ty tư vấn thiết kế kiến trúc và nội thất T&T), việc khoét lỗ đèn bất kể loại trần gì cũng thuộc trách nhiệm của thợ làm trần. Tuy nhiên sử dụng loại đèn nào phù hợp với những loại trần khác nhau, bạn phải có kế hoạch và bàn bạc trước với thợ.
Như trường hợp của độc giả sử dụng loại trần nhựa lam sóng, phần lớn sẽ sử dụng loại đèn lắp nổi như đèn bơ, đèn ray... Tuy nhiên vì một lý do nào đó mà bạn muốn lắp đèn âm trần, cần phải bàn bạc với thợ để tính toán đến những vấn đề liên quan đến thi công. Nguyên nhân là do hoàn thiện trần xong mới khoét lỗ đèn thường khó thi công và mất nhiều thời gian, cũng như khó sửa chữa nếu xuất hiện sai sót trong quá trình khoét đèn, như nhầm kích thước hay khoảng cách lỗ đèn không đồng đều.
Nếu bạn vẫn muốn khoét lỗ đèn âm trần cho trần nhựa lam sóng, cần chú ý những bước sau:
Cần lựa chọn mẫu đèn âm trần định lắp theo hình dáng và kích thước. Điều đặc biệt cần lưu ý là đường kính đèn không được lớn hơn khổ tấm nhựa. Trên thị trường, bản rộng tấm trần nhựa lam sóng có kích thước 15 cm và 20 cm.
Cần dựa vào mặt bằng bố trí đèn đã có sẵn, cũng như thực tế hiện trạng mặt bằng thi công để khoét đèn trên tấm trước khi đưa lên trần.
Vị trí tim đèn luôn nằm chính giữa tấm trần nhựa. Khoảng thừa còn lại hai bên mép tầm trần tối thiểu lớn hơn 2 cm. Đồng thời nên sử dụng mũi khoan chụp để khoét tấm trần.
Cuối cùng là do trần nhựa lam có sóng dương và sóng âm, nên khi lắp đèn âm trần tại các khe sóng âm sẽ bị hở, nếu nhìn ngang sẽ phát hiện ra. Bởi vậy nên lựa chọn đèn có vành ngoài rộng, ví dụ nếu khoét đèn lỗ 90 mm thì vành ngoài đèn nên là 110 mm.
Tuy nhiên, khuyến cáo với trần nhựa lam sóng, không nên dùng đèn âm trần mà dùng đèn nổi. Hiện nay trên thị trường có nhiều mẫu mã để bạn lựa chọn. Có loại đèn nổi rất mỏng, lắp lên cũng không khác đèn âm trần. Do cấu tạo xương trần nhựa khác với trần thạch cao, việc khoét quá nhiều lỗ đèn lên trần sẽ gây ảnh hưởng đến việc trần bị yếu và bị võng.
Trang Vy