Người dùng thường được dạy cách làm sạch có tên là "đóng băng". Cách vệ sinh này như sau: Gập gọn chiếc quần, cho vào trong một chiếc túi nilon có khóa zip, kéo kín lại rồi để vào tủ lạnh trong vòng một tuần. Phương pháp này được chính nhà sản xuất đồ jean nổi tiếng Levi Strauss khuyến cáo người dùng vào năm 2011.
Trang Apartment Therapy cho biết, nhiều người đã làm thử và thấy mùi hôi của quần biến mất, đồ có cảm giác như mới dù còn hơi lạnh. Theo giả thuyết này, nhiệt độ thấp sẽ tiêu diệt vi khuẩn và các mùi mồ hôi bám trên quần. Ngay cả một số nhà sản xuất đồ jean cũng cho rằng, việc giặt bằng nước là hoàn toàn không cần thiết.
Tuy nhiên, theo trang Business Insider, nhiệt độ tủ lạnh (khoảng 3-5 độ C) không đủ thấp để tiêu diệt vi khuẩn tiềm ẩn trong quần jean của bạn. Và chúng cũng không thể làm sạch dầu, các tế bào da chết bám trên vải. Khi quần được đưa ra ngoài ở nhiệt độ phòng, mùi hôi sẽ nhanh chóng trở lại.
Bởi vậy, giải pháp hiệu quả nhất là bạn vẫn giặt, nhưng không cần quá thường xuyên. Nếu có thể, bạn nên giặt tay nếu các vết bẩn không quá nhiều và bám chặt.
Theo Rachel McQueen , giáo sư sinh thái học con người tại Đại học Alberta (Canada), người dùng đồ jean có thể giãn số lần giặt nhưng giữa các lần giặt, cách tốt nhất là bạn nên treo đồ bên ngoài hoặc bên cửa sổ hoặc quạt để giảm bớt mùi hôi và vi khuẩn. Để khử mùi mạnh mẽ hơn, bạn nên sử dụng nước xịt làm mới vải hoặc xịt giấm pha loãng.
Cứ sau bốn đến sáu tuần, tùy thuộc vào tần suất mặc, bạn nên giặt đồ jean một lần. Trên thực tế, thủ phạm làm "hỏng form" đồ jean mạnh nhất chính là máy sấy. Bạn không bao giờ nên sấy loại trang phục này ở nhiệt độ cao. Phơi khô tự nhiên sau khi giặt sẽ kéo dài tuổi thọ của quần áo mà loại bỏ được các ổ vi khuẩn.
Lê Anh