Theo Điều 7 Thông tư 18/VBHN-NHNN ngày 12/7/2023 của Ngân hàng Nhà nước quy định hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng quy định về điều kiện vay vốn thì Tổ chức tín dụng xem xét, quyết định cho vay khi khách hàng có đủ các điều kiện sau:
1. Khách hàng là pháp nhân có năng lực pháp luật dân sự theo quy định của pháp luật. Khách hàng là cá nhân từ đủ 18 tuổi trở lên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật hoặc từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi không bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật.
2. Nhu cầu vay vốn để sử dụng vào mục đích hợp pháp.
3. Có phương án sử dụng vốn khả thi.
4. Có khả năng tài chính để trả nợ.
Điều 9 và khoản 2 Điều 16 Thông tư này cũng quy định, khi có nhu cầu vay vốn, khách hàng phải gửi cho tổ chức tín dụng các tài liệu chứng minh đủ điều kiện vay vốn theo quy định tại Điều 7 nêu trên, và các tài liệu khác do tổ chức tín dụng hướng dẫn. Khách hàng cung cấp thông tin cho tổ chức tín dụng và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực, đầy đủ của các tài liệu gửi cho tổ chức tín dụng...
Theo các quy định trên, việc cho vay sẽ được thực hiện dựa trên tài liệu chứng minh đủ điều kiện vay vốn của bên vay. Việc sếp bạn vay ngân hàng nhưng lại nhờ bạn đứng tên như nhà cung cấp là nhằm mục đích chứng minh điều kiện "nhu cầu vay vốn để sử dụng vào mục đích hợp pháp" để ngân hàng duyệt cho vay. Nếu sếp bạn đáp ứng được các điều kiện còn lại, ngân hàng sẽ giải ngân khoản vay sang tài khoản của bạn.
Tuy nhiên, trên thực tế, bạn và sếp bạn không phát sinh bất kỳ giao dịch nào nên việc bạn đứng tên như nhà cung cấp hàng hóa hoặc dịch vụ để sếp bạn sử dụng hợp đồng cung cấp đưa vào hồ sơ vay được xem là hành vi cung cấp thông tin sai sự thật.
Do vậy, việc đứng tên như nhà cung cấp của bạn có thể gặp một số rủi ro sau:
Thứ nhất, ngân hàng có thể chấm dứt cho vay trước hạn.
Theo khoản 1 Điều 21 Thông tư 18/VBHN-NHNN ngày 12/7/2023: "Tổ chức tín dụng có quyền chấm dứt cho vay, thu hồi nợ trước hạn theo nội dung đã thỏa thuận khi phát hiện khách hàng cung cấp thông tin sai sự thật, vi phạm quy định trong thỏa thuận cho vay và/hoặc hợp đồng bảo đảm tiền vay".
Tài liệu, giấy tờ mà bạn và sếp bạn cung cấp cho ngân hàng trên thực tế là thông tin sai sự thật, do vậy, ngân hàng có thể chấm dứt cho vay bất cứ lúc nào khi phát hiện ra việc sai sự thật đó.
Thứ hai, trong trường hợp sếp bạn không thể thực hiện được các nghĩa vụ đến hạn với ngân hàng, lúc này khoản vay sẽ chuyển thành nợ quá hạn, bị đưa vào danh sách nợ chú ý. Bạn chỉ là nhà cung cấp trong các giao dịch cho vay của sếp, tuy nhiên, các giao dịch tại ngân hàng của bạn và sếp nhiều nên việc này cũng sẽ ảnh hưởng đến các giao dịch trong tương lai giữa bạn và ngân hàng.
Thứ ba, trường hợp việc cung cấp thông tin sai sự thật gây thiệt hại cho ngân hàng, bạn còn phải chịu rủi ro về mặt tổn thất tài sản khi ngân hàng gửi đơn khởi kiện ra tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ.
Tóm lại, để tránh những rủi ro không đáng có, bạn nên cân nhắc kỹ, không nên tiếp tục thực hiện việc đứng tên nhà cung cấp để sếp bạn hoàn tất hồ sơ vay ngân hàng.
Luật sư Phạm Thanh Bình
Công ty luật Bảo Ngọc, Hà Nội