Bạn tôi nói đang cần thêm pháp nhân để phục vụ việc kinh doanh. Tôi hiện là nhân viên văn phòng, lương tháng 15 triệu đồng, đôi khi không đủ lo cho gia đình, con cái. Thấy bạn đề nghị, tôi cũng muốn nhận lời, song còn phân vân vì không biết có gặp rắc rối gì không, nhờ luật sư tư vấn.
Độc giả Anh Tú
Luật sư tư vấn
Mặc dù bạn chỉ đứng tên trên giấy tờ để mở công ty hộ, song trên thực tế kể từ giây phút đặt bút ký tên thì bạn phải chịu mọi trách nhiệm pháp lý liên quan với tư cách là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 12 Luật Doanh nghiệp 2020, thì người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là cá nhân đại diện cho doanh nghiệp thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch của doanh nghiệp, đại diện cho doanh nghiệp với tư cách người yêu cầu giải quyết việc dân sự, nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước trọng tài, tòa án và các quyền, nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật và phải thực hiện đúng các trách nhiệm của một người đại diện theo pháp luật quy định tại khoản 1 Điều 13 luật này.
Trong trường hợp các hoạt động của doanh nghiệp không diễn ra như mong muốn, việc kinh doanh bị thua lỗ, hoặc phát sinh các hành vi vi phạm pháp luật thì người đại diện theo pháp luật sẽ là người đầu tiên phải chịu trách nhiệm trước các cơ quan chức năng về các nghĩa vụ giải trình, nộp phạt hành chính, thậm chí là trách nhiệm hình sự, cụ thể:
Về trách nhiệm tài chính: người đại diện theo pháp luật phải chịu trách nhiệm đối với các khoản lỗ, nợ thuế của doanh nghiệp trong quá trình hoạt động. Tùy loại hình doanh nghiệp mà rủi ro tài chính có thể gặp phải sẽ khác nhau. Thậm chí, bạn có khả năng phải chịu trách nhiệm vô hạn bằng toàn bộ tài sản của mình về các khoản nợ và nghĩa vụ của doanh nghiệp nếu doanh nghiệp bạn đứng tên giùm là một doanh nghiệp tư nhân (khoản 1 Điều 188 Luật Doanh nghiệp 2020) hoặc công ty hợp danh (điểm b khoản 1 Điều 177 Luật Doanh nghiệp 2020). Vậy nên, nếu bạn đứng tên giùm mà không thực sự hiểu biết và quan tâm đến hoạt động của doanh nghiệp thì chính bạn sẽ phải liên đới chịu trách nhiệm với những khoản nợ từ trên trời rơi xuống.
Về trách nhiệm pháp lý: khác với các loại hình trách nhiệm khác, trách nhiệm pháp lý luôn gắn liền với sự cưỡng chế nhà nước, với việc áp dụng chế tài do pháp luật quy định. Khi bạn đứng tên giùm để thành lập doanh nghiệp, bạn có thể phải gánh chịu những trách nhiệm pháp lý sau đây:
- Về dân sự, phải tham gia vào các vụ việc dân sự với tư cách là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp (nguyên đơn, bị đơn, người liên quan, người yêu cầu), thường là trong những vụ án kinh doanh thương mại. Bạn có thể bị buộc xin lỗi, cải chính công khai, buộc thực hiện nghĩa vụ dân sự; buộc bồi thường thiệt hại, phạt vi phạm. Bởi lẽ, khi có thiệt hại xảy ra do hành vi trái pháp luật của doanh nghiệp thì người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp phải thay mặt doanh nghiệp chịu trách nhiệm đền bù các tổn thất về vật chất lẫn tinh thần cho bên bị thiệt hại. Tuy bạn chỉ đứng tên giúp, bạn của bạn sẽ đứng ra chịu trách nhiệm đối với các nghĩa vụ phát sinh, nhưng điều đó không có nghĩa bạn đứng ngoài các trách nhiệm liên quan.
- Về hành chính, theo quy định tại khoản 3 Điều 8 Luật Doanh nghiệp 2020 thì doanh nghiệp có nghĩa vụ chịu trách nhiệm về tính trung thực, chính xác của thông tin kê khai trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và các báo cáo; trường hợp phát hiện thông tin đã kê khai hoặc báo cáo thiếu chính xác, chưa đầy đủ, thì phải kịp thời sửa đổi, bổ sung các thông tin đó. Bên cạnh đó, tại khoản 4 Điều 16 Luật Doanh nghiệp 2020 cũng có quy định, nghiêm cấm các hành vi kê khai không trung thực, không chính xác nội dung đăng ký doanh nghiệp.
Điều 43 Nghị định số 122/2021 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư thì hành vi kê khai không trung thực, không chính xác nội dung đăng ký doanh nghiệp để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.
Do đó, có thể nhận thấy hành vi đứng tên hộ là một hành vi không phù hợp theo quy định pháp luật và trong trường hợp bị phát hiện thì sẽ bị xử lý về mặt hành chính. Ngoài ra, người vi phạm còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả như là: buộc đăng ký thay đổi và thông báo lại các thông tin doanh nghiệp đã kê khai không trung thực, không chính xác.
Nguy cơ chịu trách nhiệm về hình sự
Mối quan hệ giữa người đại diện pháp luật doanh nghiệp với doanh nghiệp là mối quan hệ mật thiết, gắn bó với nhau vì doanh nghiệp phải thực hiện các giao dịch thông qua người đại diện theo pháp luật. Hiện nay, trong Bộ luật Hình sự không xem hành vi "nhờ người khác đứng tên làm người đại diện theo pháp luật" là tội phạm. Tuy nhiên, người đại diện theo pháp luật cũng phải chịu trách nhiệm liên đới đối với các sai phạm của doanh nghiệp, bởi các pháp nhân thương mại (doanh nghiệp) có thể chịu trách nhiệm hình sự với các tội danh như: Buôn lậu; Vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới; Sản xuất, buôn bán hàng cấm... Tại khoản 2 Điều 75 Bộ luật Hình sự có quy định việc pháp nhân thương mại chịu trách nhiệm hình sự không loại trừ trách nhiệm hình sự của cá nhân.
Do đó, nếu như quá trình điều hành doanh nghiệp, bạn của bạn sử dụng pháp nhân do bạn đứng tên giúp để thực hiện các hành vi vi phạm như trên, thì người đại diện của doanh nghiệp cũng phải gánh chịu những rủi ro về pháp lý mà không loại trừ trách nhiệm của cá nhân. Trong khi đó, với những người nhờ đứng tên, nếu không có bằng chứng, chứng cứ nào khác về mặt pháp lý rằng "bạn của bạn mới là chủ sở hữu doanh nghiệp" thì khi có rủi ro phát sinh, rất khó để xử lý các hành vi vi phạm của những cá nhân này.
Ngoài ra, việc đứng tên giúp còn có nguy cơ gặp nhiều rắc rối khác như: người đứng tên giúp vẫn là một người quản lý trong doanh nghiệp, dù không mong muốn thì cũng phải có mặt tại những buổi họp của doanh nghiệp; gặp gỡ với các đối tác của doanh nghiệp khi có yêu cầu để xử lý công việc...
Với các lý do trên, có thể thấy việc đứng tên giúp người khác có nguy cơ chịu nhiều rủi ro nên bạn phải tỉnh táo, thận trọng trước khi quyết định.
Dù bạn không có quyền quyết định và quyền lợi của một người đại diện trên thực tế, nhưng hầu như mọi trách nhiệm, nghĩa vụ đối với hoạt động của doanh nghiệp khi xảy ra sai phạm, vi phạm pháp luật thì người đầu tiên bị cơ quan pháp luật gọi đến chính là người đại diện theo pháp luật. Thực tế, đã có nhiều trường hợp khi doanh nghiệp thua lỗ, có hành vi phạm pháp, chủ doanh nghiệp thực sự đã ôm tiền bỏ trốn và người đứng tên giùm phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật.
Luật sư Đặng Thị Thúy Huyền
Công ty Luật HPL và cộng sự