Trí Nguyễn
Chuyên gia tư vấn:
Sơn nước bao gồm hai loại: sơn ngoại thất và nội thất, với đặc điểm, chất lượng khác nhau.
Sơn ngoại thất là loại sơn chuyên dụng cho tường ngoài trời, bên ngoài công trình, có khả năng chống thấm, chống bám bụi, rêu mốc, kháng kiềm, dễ lau chùi, chịu nhiệt, chống tia hồng ngoại... Loại sơn này giống như lớp áo bảo vệ công trình trước tác động của môi trường như bụi, nắng, mưa.
Sơn nội thất là loại sơn được sử dụng cho bên trong nhà nên những yêu cầu về chức năng sẽ đơn giản hơn bởi tính chất ít tiếp xúc với điều kiện khắc nghiệt của thời tiết. Loại sơn này cần bảo đảm việc dễ dàng lau chùi, độ bám dính tốt, độ mịn, bóng và bền màu theo thời gian.
Sơn ngoại thất có giá đắt hơn khá nhiều so với sơn nội thất. Nếu khả năng kinh tế cho phép, bạn có thể sử dụng sơn ngoại thất trong nhà.
Tuy nhiên với chiều ngược lại, bạn không nên dùng sơn nước nội thất để sơn ngoài trời. Do không có các đặc tính như sơn ngoại thất, sử dụng sơn nội thất cho tường bên ngoài công trình sẽ dẫn đến hiện tượng màng sơn bị phấn hóa, rêu mốc, tróc nứt và phai màu, ảnh hưởng đến độ bền và tính thẩm mỹ của ngôi nhà, gây tốn kém và lãng phí khi phải sơn sửa lại.
Nếu bạn mua thêm sơn để dự trữ, đề phòng sửa chữa công trình về sau thì điều này cũng không nên. Dù sơn chất lượng tốt thế nào thì vẫn bị "xuống màu" theo thời gian. Một khi đã sơn sửa chữa thì cần xử lý trên toàn bộ công trình hoặc ít nhất là cả bức tường. Việc dự trữ sơn nước mà không bảo quản tốt sẽ khiến chất lượng sơn đi xuống, màu bị thay đổi, nhất là trường hợp để sơn ở nơi có nhiệt độ cao.
Khác với việc lát gạch, bạn nên mua trữ hai đến ba thùng gạch mỗi loại đề phòng trường hợp mẻ, nứt một số chỗ để có thể thay trùng loại gạch, vì mẫu gạch thường được các nhà sản xuất thay đổi theo thời gian.
KTS Phạm Thanh Truyền
Cát Mộc Group