Người này nói rằng nếu không lo được việc thì sẽ hoàn tiền. Tuy nhiên, suốt nửa năm qua, con tôi chưa có việc làm mà người quen kia luôn tìm cớ lảng tránh, bảo "đợi".
Giờ tôi đòi lại tiền thì họ không trả lại, bảo đã giao cho người cần nhờ cậy. Lúc giao tiền cho họ, tôi không ghi bất cứ giấy tờ gì, bây giờ liệu có đòi được không?
Luật sư trả lời
Hiện để có việc làm, một số người đã bỏ ra một khoản tiền không nhỏ để "chạy" việc. Hành vi này không những làm mất cơ hội của những người đủ điều kiện được tuyển dụng mà nghiêm trọng hơn còn là vi phạm pháp luật. Nếu bị phát hiện thì dù động cơ, mục đích "chạy việc" là gì, người đưa tiền cũng có thể bị xem xét trách nhiệm hình sự về tội Đưa hối lộ.
Cụ thể, theo điều 364 Bộ luật Hình sự 2015, người nào trực tiếp hay qua trung gian đã đưa hoặc sẽ đưa cho người có chức vụ, quyền hạn hoặc người khác hoặc tổ chức khác tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc lợi ích phi vật chất để người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Nếu của hối lộ là tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá từ 100 triệu đến dưới 500 triệu đồng thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm.
Đối với tội Môi giới hối lộ (điều 365 Bộ luật Hình sự), hình phạt với tội này cũng tương tự hình phạt của tội Đưa hối lộ. Tuy nhiên, bạn cần phân biệt một số một số trường hợp liên quan đến thỏa thuận môi giới hối lộ nhưng không cấu thành (phạm tội) tội môi giới hối lộ.
Trường hợp thứ nhất: Người môi giới không liên hệ, tác động, không giao lợi ích vật chất nào cho người có chức vụ quyền hạn trong việc tuyển dụng, họ trông đợi vào sự may rủi hoặc họ biết rõ là mình không có khả năng chạy việc nhưng vẫn nhận tiền chạy việc nhằm chiếm đoạt thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại điều 174 Bộ luật Hình sự 2015.
Trường hợp thứ hai: Người môi giới đã thực hiện việc môi giới nhưng không đạt kết quả. Sau đó người hối lộ đòi tiền thì chây ỳ không trả nhằm chiếm đoạt của hối lộ thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo quy định tại điều 175 Bộ luật Hình sự 2015.
Hình phạt cho cả hai tội là nếu chiếm đoạt từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng thì bị phạt tù từ 2 năm đến 07 năm.
Như vậy, từ các điều chúng tôi đã viện dẫn, hành vi đưa và nhận số tiền 100 triệu mà bạn nêu đều có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội danh tương ứng.
Để đòi được số tiền này, bạn cần thu thập chứng cứ để chứng minh bạn đã đưa tiền cho người môi giới. Nếu không có chứng cứ thì các cơ quan tiến hành tố tụng không thể quy kết trách nhiệm hình sự đối với người nhận tiền. Sau khi đã thu thập đầy đủ chứng cứ, bạn có thể làm đơn tố cáo đến cơ quan cảnh sát điều tra để được giải quyết theo luật định.
Mặt khác, bạn cũng cần lưu tâm đến trách nhiệm hình sự của chính bạn liên quan đến hành vi đưa hối lộ bởi hành vi đưa 100 triệu có dấu hiệu của tội Đưa hối lộ theo điều 364 Bộ luật Hình sự 2015.
Luật sư Đỗ Trọng Linh
Công ty luật Bảo An, Hà Nội