Việc dùng điện thoại trong thời tiết nắng nóng quá lâu, hoặc đặt điện thoại ở nơi chiếu ánh sáng mạnh như táp-lô ôtô sẽ dẫn đến thiết bị nóng lên nhanh hơn, làm giảm độ bền của máy.
Theo cảnh báo của nhà sản xuất, nhiệt độ lý tưởng để smartphone hoạt động mượt là 16-22 độ C, không nên vượt quá 35 độ C. Khi thiết bị có hiện tượng nóng bất thường, người dùng nên ngưng sử dụng, tìm cách hạ nhiệt an toàn.
Người dùng không nên đặt smartphone đang quá nhiệt vào tủ lạnh vì có thể gây tình trạng "sốc nhiệt", làm hỏng máy. Khi nhiệt độ điện thoại đang cao, gặp môi trường lạnh ẩm của tủ lạnh sẽ dễ bị chập mạch vì thay đổi nhiệt độ đột ngột. Thay vào đó, người dùng có thể để máy trước quạt hoặc trong phòng điều hòa để nhiệt hạ dần rồi tiếp tục sử dụng.
Người dùng cần lưu ý cũng không nên vừa sạc vừa dùng ảnh hưởng đến tuổi thọ pin và cả tuổi thọ máy. Không dùng phụ kiện trôi nổi, không rõ nguồn gốc dẫn đến nguy cơ cháy nổ, hư hỏng thiết bị.
Ngoài ra, để dùng smartphone an toàn trong điều kiện thời tiết nắng nóng, người dùng cũng nên: Giảm độ sáng màn hình vì độ sáng màn hình là yếu tố quan trọng quyết định nhiệt độ của điện thoại và cũng làm hao pin. Tắt các ứng dụng không dùng tới, ứng dụng chạy ngầm. Dùng các loại tản nhiệt uy tín khi dùng các tác vụ nặng như chỉnh sửa video, quay phim chất lượng cao...
Chuyên gia Trần Thái Hiếu
Kỹ thuật viên trưởng Viện Di Động