Cởi giày dép trước khi vào nhà là thói quen phổ biến ở các gia đình châu Á và Trung Đông. Nhiều người cho rằng giày dép kéo theo vi khuẩn. Nhưng theo các chuyên gia, lo ngại đó đã bị thổi phồng quá mức, trong khi những nguy cơ sức khỏe khác lại bị bỏ qua.
Có gì trên đế giày, dép của bạn?
Năm 2008, các nhà nghiên cứu theo dõi đôi giày mới đi của 10 người tham gia trong hai tuần. Họ phát hiện vi khuẩn coliform như E. coli xuất hiện nhiều bên ngoài đôi giày. E. coli là nguyên nhân gây nhiễm trùng đường ruột và đường tiết niệu cũng như viêm màng não...
Charles P. Gerba, một giáo sư và nhà vi sinh vật học tại ĐH Arizona (Mỹ), đã nghiên cứu số lượng và loại vi khuẩn tồn tại dưới đáy giày, cho biết những phát hiện của nghiên cứu đã khiến ông thay đổi ngay cả một số hành vi của chính mình. "Nó khiến tôi không đặt chân lên bàn của mình", ông nói.
Tuy nhiên, vi khuẩn từ giày dép thường chỉ lây truyền cho bạn nếu bạn chạm vào giày, sau đó chạm lên mặt, miệng hoặc bạn ăn thức ăn rơi trên sàn.
Theo Donald W. Schaffner, một nhà vi sinh vật học thực phẩm tại ĐH Rutgers, New Jersey, Mỹ trong thứ bậc về các mối nguy hiểm tiềm ẩn đối với sức khỏe ở nhà, giày có dính vi khuẩn được xếp hạng tương đối thấp.
Ông cho rằng có nhiều thứ khác quan trọng cần lưu tâm hơn, chẳng hạn: Có ai trong nhà bị ốm không? Có ếch, rùa hoặc rắn gần đó có thể mang vi khuẩn salmonella không? Thực phẩm có được bảo quản và chế biến đúng cách không?
Tiến sĩ Aaron E. Carroll , giáo sư nhi khoa tại ĐH Y khoa Indiana ở Indianapolis (Mỹ) cho biết những vật dụng có tác dụng giữ nước và vụn thức ăn, là "ổ chứa" của vi khuẩn. Ngoài ra, còn có những đồ vật và bề mặt thường xuyên được chạm vào nhưng hiếm khi được rửa sạch, chẳng hạn như tiền, nút ATM và tay cầm của cây xăng. "Tập trung vào giày của mọi người có cảm giác như tập trung vào sai đối tượng ", tiến sĩ Carroll nhận định.
Nhìn chung, các chuyên gia nhấn mạnh rằng rửa tay bằng xà phòng và nước vẫn là cách bảo vệ sức khỏe tốt nhất.
Lisa A. Cuchara, giáo sư khoa học y sinh tại ĐH Quinnipiac cho rằng vi khuẩn chắc chắn chuyển từ giày sang sàn nhà, nhưng "đối với hầu hết người lớn khỏe mạnh, đây không phải mối đe dọa". Bà lưu ý, sàn nhà trong nhà vệ sinh công cộng có khoảng 2 triệu vi khuẩn trên mỗi inch vuông (6,4 cm2). Một bệ ngồi toilet có trung bình khoảng 50 triệu trên một inch vuông.
"Hãy nghĩ về điều đó vào lần sau, khi bạn định đặt ví hoặc túi xách lên sàn phòng tắm, sau đó mang về nhà và đặt trên bàn bếp hoặc quầy bếp".
Bụi bẩn có tốt cho sức khỏe?
Giáo sư tại khoa nhi khoa Jack A. Gilbert tại ĐH California, San Diego, cho biết, xét về lợi ích của vệ sinh hiện đại, tiêm chủng và chăm sóc sức khỏe, khả năng lây bệnh từ giày là "cực nhỏ, gần như là không có cơ sở".
Ông Gilbert, tác giả của cuốn sách "Bụi bẩn là tốt", cho biết, có những giả thuyết cho rằng mang một số thứ từ ngoài trời vào trong nhà có thể giúp kích thích hệ miễn dịch, đặc biệt là ở trẻ em.
Trong năm đầu tiên của cuộc đời, tương tác thể chất với chó có thể làm giảm 13% khả năng phát triển bệnh hen suyễn của trẻ, trong khi tương tác trong chuồng trại hoặc trang trại có thể giảm 50% khả năng mắc bệnh hen suyễn của trẻ.
Khi nào bạn nên cởi giày?
Tốt nhất, bạn nên cởi giày nếu có trẻ nhỏ bò trên sàn nhà hoặc những người trong nhà bị dị ứng.
Giáo sư khoa học y sinh Cuchara nói: "Trong trường hợp hệ thống miễn dịch của bạn bị tổn hại, ví dụ những người bị ung thư đã trải qua cấy ghép nội tạng, bị nhiễm trùng, thì càng cần có nhiều lý do để cởi giày dép khi về nhà".
April Masini, người viết về mối quan hệ và phép xã giao cho biết, dù không thấy giày ở lối vào, bạn luôn cần hỏi chủ nhà có cần phải cởi giày trước khi bước vào không.
Nhật Minh (Theo New York Times)