"Xin lỗi đi". Nhiều thế hệ đã dùng câu này để xử lý khi trẻ chơi với anh chị em, bạn bè xô xát nhau, cãi vã.
Nhưng gần đây nó đã gây tranh cãi, đặc biệt trong một nhóm các bậc cha mẹ thuộc thế hệ Millennial - những người nổi bật với phong cách nuôi dạy con cái tôn trọng cảm xúc. Nguyên tắc chủ đạo là cân nhắc cảm xúc của trẻ hiện tại hoặc tương lai ở mọi thời điểm cha mẹ đưa ra quyết định, ngay cả khi con của họ làm tổn thương cảm xúc của trẻ khác. Dựa trên cách tiếp cận này, việc khiến trẻ bày tỏ sự hối hận dường như sai.
Và thực sự, cả Big Little Feelings, trung tâm nuôi dạy con nổi tiếng ở Mỹ có hơn 3 triệu khách hàng cha mẹ và tiến sĩ Becky, tác giả sách Good inside, đều đã lên án hành vi này.
Họ lập luận cho rằng việc bảo con xin lỗi là vô ích, không cần thiết, thậm chí có hại. Vô ích vì sẽ tạo ra một lời xin lỗi trống rỗng. Không cần thiết vì có những cách khác tốt hơn để dạy trẻ sửa lỗi. Có hại theo nhiều cách: Nó sẽ dạy trẻ nói dối hoặc xin lỗi như một hình thức để thoát khỏi sự trừng phạt; làm cho chúng kém tử tế và chu đáo hơn; khiến trẻ không sống thật với cảm xúc; hoặc khiến chúng xấu hổ đến mức không bao giờ xin lỗi nữa.
Nhìn chung, những người này lập luận để một lời xin lỗi có giá trị phải bắt nguồn từ sự hối hận thực sự. Trẻ nhỏ thiếu khả năng nhận thức để đồng cảm với người chúng làm tổn thương và việc bảo xin lỗi sẽ không giúp chúng phát triển sự đồng cảm. Thay vào đó, nếu cha mẹ dành thời gian trau dồi sự đồng cảm thông qua việc suy ngẫm và làm gương tốt thì lời xin lỗi chân thành sẽ tự nhiên nảy nở.
Ví dụ khi trẻ giật đồ hoặc xô đẩy bạn, cha mẹ có thể thay mặt con xin lỗi và nói chuyện riêng với con về những gì đã xảy ra, rằng con nên tìm ra cách nào đó để giúp bạn kia cảm thấy tốt hơn.
Karina Schumann, phó giáo sư tâm lý xã hội tại Đại học Pittsburgh, Mỹ nói mục tiêu là giúp con mình nhận ra hành động của nó gây ra hậu quả cho người khác. "Chỉ cho con thấy hành động đó gây hại cho người bạn đó thế nào, đồng thời con vẫn có thể sửa lỗi với thái độ tích cực", chuyên gia nói.
Những chiến thuật này sẽ hiệu quả hơn nếu chính cha mẹ thường xuyên chứng minh một lời xin lỗi tốt sẽ như thế nào. Một trong các cách là nêu tên tác hại và mức độ ảnh hưởng của nó đến người khác, đồng thời đưa ra lời hứa sẽ thay đổi hành vi trong tương lai.
"Nếu trẻ em quan sát thấy những người khác sẵn sàng xin lỗi và thông cảm vì hành vi sai trái của mình, chúng sẽ học được bài học kịp thời", Schumann nói.
Tuy nhiên, lời xin lỗi là một vấn đề phức tạp về mặt xã hội và cảm xúc. Điều khiến trẻ không muốn xin lỗi không phải vì không hối hận mà là sự hiện diện của những cảm xúc mạnh mẽ khác - sự thất vọng kéo dài về bất cứ điều gì đã thúc đẩy hành động của chúng, sự xấu hổ vì đã công khai làm sai, nỗi sợ hãi quá mức về điều gì sẽ xảy ra nếu xin lỗi. Điểm cuối cùng này cũng đúng với cả người lớn. Một nghiên cứu của Schumann cho thấy ngay cả người lớn cũng sẽ cảm thấy nhục nhã và căng thẳng hơn thực tế khi đối diện với lời xin lỗi.
Còn người bị hại thì sao? Chắc chắn cảm xúc của họ có vấn đề. Thực tế với trẻ nhỏ, lời xin lỗi kịp thời hoặc tự phát đều có thể giúp hàn gắn mối quan hệ của chúng. Và ngay cả lời xin lỗi không chân thành thì vẫn "có còn không", đặc biệt với trẻ dưới 7 tuổi.
Việc trẻ chấp nhận lời xin lỗi kém chân thành có thể giải thích vì chúng chưa phát triển đầy đủ về mặt cảm xúc. Theo Cara Goodwin, nhà tâm lý học lâm sàng được cấp phép và là người sáng lập Parenting Translator, một chuyên trang đăng tải các nghiên cứu khoa học về cách nuôi dạy con cái từ thời thơ ấu, việc làm gương xin lỗi và giúp trẻ suy ngẫm về hành động của mình là điều cần thiết, nhưng nên làm ở một không gian hợp lý. Và trẻ sẽ học tốt hơn nếu nhìn cách hành xử của người lớn.
Các chuyên gia cũng cho biết đừng lo ngại về tác hại của việc ép trẻ xin lỗi, miễn là cha mẹ có cách tiếp cận phù hợp. Goodwin chỉ ra cần phân biệt giữa kiểm soát tâm lý và kiểm soát hành vi.
Những nỗ lực kiểm soát tâm lý trẻ em như cảm giác tội lỗi, xấu hổ hoặc thao túng chúng về mặt cảm xúc, có liên quan đến nhiều kết quả tiêu cực. Vì vậy, bạn không nên mắng mỏ trẻ vì sự thiếu hối hận hoặc khiến chúng xấu hổ khi thể hiện điều đó. Nhưng không có gì sai khi thiết lập các quy tắc cơ bản và sau đó thực thi chúng bằng cách đặt ra giới hạn hành vi.
Bảo Nhiên (Theo Atlantic)