Đầu tiên, tôi muốn gửi lời động viên đến gia đình trong giai đoạn thiếu ổn định hiện tại. Hiểu được tâm trạng và khó khăn của anh, tôi cố gắng đưa ra những lời khuyên có thể giúp anh quyết định những biến chuyển sắp tới cho gia đình.
Trước khi đưa ra bất kỳ quyết định nào, việc đánh giá tình hình tài chính là cực kỳ quan trọng. Anh chị đã tích lũy được một số tài sản đáng kể, bao gồm bất động sản và một công ty xây dựng. Nhìn chung, danh mục của gia đình có thể đang có hiệu suất tương đối tốt và khả năng thanh khoản ở mức khá. Nhược điểm của danh mục hiện tại là tính đa dạng hóa chưa cao, thiếu phần phân bổ cho cổ phiếu - tài sản có tính thanh khoản tốt. Đây cũng là một phân bổ danh mục thường thấy của các chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tuy nhiên, việc kinh doanh không thu được lợi nhuận đáng kể sẽ đặt ra nhiều thách thức.
Kế hoạch của anh chị để bán tài sản và dời gia đình lên TP HCM là một quyết định lớn. Việc này có thể mang lại cơ hội mới và thay đổi đáng kể cho cuộc sống gia đình. Tuy nhiên, cần xem xét kỹ lưỡng để đảm bảo rằng quyết định này là đúng đắn và có lợi cho tương lai.
Trước hết, tôi cũng rất đồng cảm với cảm giác của anh khi lo lắng về cách mà các con sẽ nhìn nhận vấn đề của mình. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng anh cần lý trí và tránh bị cảm xúc chi phối. Tôi tin là gia đình anh sẽ hiểu được rằng kinh doanh có rủi ro và có tính chu kỳ, đôi lúc những khoản thời gian chờ đợi là cần thiết để tiếp tục bứt phá trong tương lai. Một quyết định vội vàng và cảm tính có thể dẫn tới một hành động rủi ro và để lại những hậu quả khó khắc phục.
Chúng ta hãy cùng đánh giá lợi ích và rủi ro khi bán hết tài sản và chuyển lên TP HCM.
Nếu xét về tính thanh khoản, nhìn chung các bất động sản có giá trị dưới 3 tỷ đồng, nhất là các bất động sản đang cho thuê được như của anh vẫn đang có thanh khoản ở mức khá (tùy khu vực). Vậy nên, nhìn chung anh có thể xem xét phương án bán tài sản. Tuy nhiên, anh nên cân nhắc kỹ lưỡng về lợi ích và rủi ro của quyết định này. Việc bán tài sản có thể mang lại nguồn vốn lớn để khởi đầu mới ở TP HCM, nhưng cũng đồng nghĩa với việc mất đi nguồn thu nhập ổn định từ cho thuê bất động sản. Thông thường, khi bắt đầu một mô hình kinh doanh, anh sẽ chưa thể thu được lợi nhuận ngay. Vì vậy, anh cần đánh giá kỹ về cơ hội kinh doanh mới của mình.
Nếu cơ hội kinh doanh rõ ràng và tiềm năng, anh có thể xem xét bán mảnh đất để lấy tiền đầu tư cho mô hình mới, việc này sẽ không làm ảnh hưởng đến dòng tiền thụ động của gia đình. Trong trường hợp thanh khoản của mảnh đất đang không tốt, anh có thể bán căn nhà hoặc căn hộ đang cho thuê, việc này sẽ khiến dòng tiền thụ động của anh chị giảm xuống. Lúc đó, anh cần nâng khoản dự phòng lên tối thiểu một năm chi tiêu (khoảng 360 triệu) để dự phòng cho mô hình kinh doanh mới trong trường hợp nó chưa đem lại lợi nhuận.
Nếu cơ hội kinh doanh chưa rõ ràng và chưa đủ tiềm năng, tôi nghĩ anh nên kiên nhẫn chờ đợi. Trong lúc chờ đợi, anh có thể xem xét tái cơ cấu danh mục đầu tư hiện tại theo hướng tăng tính thanh khoản và đa dạng hóa để chuẩn bị cho những cơ hội kinh doanh mới có thể đột ngột xuất hiện sớm và anh cần bán tài sản ngay.
Theo tôi, anh nên tận dụng những lợi thế hiện có của công ty hiện tại, kinh nghiệm 12 năm của anh trong ngành xây dựng để mở rộng hoặc phát triển các mô hình kinh doanh liên quan, không nên theo đuổi một mô hình kinh doanh hoàn toàn mới, với những rủi ro khó lường trước.
Gia đình nên cụ thể hóa các phương án bằng các con số. Để có thể cân nhắc quyết định nào là phù hợp hơn, ngoài các yếu tố định tính, anh chị nên định lượng các phương án của mình. Cả hai nên tính toán cụ thể dòng tiền của gia đình đối với từng phương án, từng giả định trung tính - tích cực - tiêu cực. Các con số sẽ giúp anh chị nhìn nhận các vấn đề tài chính một cách trực quan hơn, tránh các lỗi sai về thiên kiến nhận thức. Có các con số cụ thể cũng sẽ giúp gia đình dễ trao đổi với nhau hơn, từ đó đưa ra quyết định tối ưu và phù hợp nhất với bức tranh tài chính.
Ông bà ta có câu: "Thuận vợ thuận chồng, tát biển Đông cũng cạn". Trước khi đưa ra quyết định cuối cùng, anh chị nên thảo luận kỹ lưỡng với nhau và đánh giá lập trường của cả gia đình. Hãy đảm bảo rằng tất cả thành viên đều đồng thuận và hiểu rõ về hậu quả có thể xảy ra của quyết định, cũng như xây dựng phương án phòng vệ cho những rủi ro đó sẽ giúp gia đình đồng lòng vượt qua mọi thách thức.
Cuối cùng, tôi hy vọng rằng anh chị sẽ tìm được lời khuyên hữu ích từ những gì đã được chia sẻ ở trên. Tuy nhiên, tôi cũng cần lưu ý rằng các thông tin anh cung cấp chưa đủ chi tiết để có thể đưa ra những khuyến nghị phù hợp nhất. Do đó, hãy liên hệ với chuyên gia tư vấn tài chính nếu gia đình thấy cần thiết.
Nguyễn An Huy
Chuyên gia Hoạch định tài chính cá nhân
Công ty Tư vấn đầu tư và Quản lý tài sản FIDT