Tôi 28 tuổi, trình độ thạc sỹ, xuất thân từ một gia đình cơ bản, bố mẹ đều là công chức đã về hưu, nhà Hà Nội, chuẩn bị kết hôn, hiện làm việc tại cơ quan Nhà nước của một quận tại Hà Nội. Công việc dù thu nhập không cao nhưng không quá áp lực hoặc thậm chí gọi là nhàn. Tôi cũng không chịu quá nhiều sức ép trong việc phải phụ giúp bố mẹ về kinh tế vì ai cũng có lương. Nói qua như vậy để mọi người thấy tôi có một cuộc sống rất ổn, ngay chính tôi cũng thấy vậy. Tuy nhiên, vấn đề lại đến từ bản thân tôi. Khi bé, tôi cảm nhận được mình khá nhút nhát, hay lo lắng và sợ hãi kiểu như sợ đi học muộn, sợ cô giáo, sợ gọi lên bảng mà không làm được bài, sợ bố mẹ mắng... Khi học đại học thì lo không biết sau này ra trường có tìm được công việc tử tế không. Lúc đi làm dù công việc không nặng nhọc và nhiều áp lực nhưng tôi vẫn luôn trong trạng thái lo lắng và chán nản khi làm sai một việc gì đó, dù rất nhỏ.
Không rõ từ bao giờ tôi có suy nghĩ chán ghét bản thân và cuộc sống của mình. Nhiều lần tôi muốn rũ bỏ tất cả để đi đâu đó thật xa, làm lại từ đầu, tránh xa sự ồn ào, bon chen và phức tạp của xã hội. Đôi khi tôi tự hỏi "Rốt cuộc một thằng ăn hại như mình sinh ra trong cuộc đời này vì mục đích gì?". Thậm chí có lần tôi muốn tự tử và thầm mong "nếu cái chết không làm ảnh hưởng đến những người còn sống thì mình chết quách đi cho nhẹ nợ". Là một người có học thức và va chạm nhất định với cuộc sống, tôi tự tìm hiểu nguyên nhân và cố gắng sửa đổi, tôi cho rằng mình mắc chứng rối loạn lo âu.
Sau khi xem xét các yếu tố khác nhau, tôi nghĩ có vài nguyên nhân sau đây. Về nguyên nhân khách quan, có lẽ một phần là do môi trường sống xung quanh, bố tôi cũng hay lo lắng, câu cửa miệng của ông là sợ thế này, thế kia. Một phần sự dạy dỗ của bố mẹ mà tôi hay tự ti về bản thân, mẹ nóng tính, thường quát mắng tôi, lại không khéo léo động viên con cái (tôi không muốn đổ lỗi cho bố mẹ mình, trái lại tôi biết ơn vì bố mẹ đã vượt qua nhiều khó khăn để cho tôi một gia đình và cuộc sống như hiện nay). Bởi vậy sau này, tôi luôn tự đặt ra câu hỏi: liệu mình có làm được cái này không, làm được hoặc làm sai thì sao. Từ đó tạo nên tính cách không bạo dạn trong cuộc sống. Cuối cùng là yếu tố công việc, tôi không dám chắc đây là công việc mình muốn làm. Tuy nhiên, tôi rất biết ơn vì nhờ nó mà tôi có thể nuôi sống mình, tự chủ được một phần trong cuộc sống. Về nguyên nhân chủ quan, có lẽ do tôi hướng nội, thường suy nghĩ nhiều và có đời sống tâm lý, tình cảm phức tạp. Ngoài ra, tôi chưa chủ động và cố gắng trong những việc mình làm. Cuối cùng là do tôi hay suy nghĩ tiêu cực nên lúc nào cũng thấy mọi chuyện đến với mình như ngày tận thế.
Tôi không dám chắc mình có vấn đề về tâm lý (chứng rối loạn lo âu) hay là do được bao bọc, có điều kiện sinh hoạt sướng hơn nhiều người nên nảy sinh tâm lý ỷ lại, lười biếng, không chịu nổi áp lực,... Hiện tại chỉ duy nhất vợ sắp cưới của tôi biết được vấn đề trên. Tôi rất may mắn vì vợ luôn ở bên và lắng nghe tâm sự, động viên tôi tìm giải pháp như làm việc khác, đi khám bác sĩ tâm lý. Có lần cô ấy nói "Em thấy anh là kiểu người suy nghĩ quá nhiều, toàn tưởng tượng ra những thứ tồi tệ sẽ đến với mình nên mới hay suy nghĩ, lo lắng như vậy". Lúc ra xã hội, tôi cố gắng tỏ ra cởi mở, hòa đồng, hay nói cười, vô lo vô nghĩ. Tôi tìm đọc các sách báo nói về các tấm gương vượt khó, chịu khó đi cà phê với bạn bè và vợ sắp cưới, ngoài ra còn tập võ và chơi thể thao. Tôi thật sự hy vọng mình hết lo lắng, sợ hãi. Mong nhận được lời tư vấn, chia sẻ của chuyên gia và bạn đọc. Xin trân trọng cảm ơn.
Minh
Chuyên gia tham vấn tâm lý Nguyễn Bá Đạt gợi ý:
Gửi Minh,
Có lẽ bạn đã hiểu rõ bản thân và những khó khăn mà mình đang gặp phải. Với những điều chia sẻ trong thư, bạn có nhiều dấu hiệu, triệu chứng của bệnh lo âu. Bạn đã cố gắng kiểm soát, vượt qua nó nhưng không mấy tiến triển. Những dấu hiệu lo âu có thể khiến bạn suy giảm hiệu quả lao động, sức khỏe thể chất cũng như tình dục.
Rất may là bạn có người vợ sắp cưới hiểu, luôn ở bên cạnh, động viên, khích lệ bạn. Nếu bạn không nỗ lực như học võ, đi uống cà phê với bạn bè, có thể sức khỏe tâm thần của bạn còn xấu hơn. Do vậy, hãy tiếp tục các hoạt động đó.
Hiện nay, trong tham vấn và trị liệu tâm lý có liệu pháp "Chánh niệm", đây là một liệu pháp khá hiệu quả đối với những người mắc chứng lo âu. Vì thế, bạn nên đi tham vấn tâm lý. Tuy nhiên, bạn cần nhớ rằng, tham vấn hay trị liệu tâm lý cho bạn cần ít nhất 12–15 phiên, mỗi phiên 60 phút và kéo dài khoảng 3 tháng, chứ không phải đi gặp nhà tâm lý một buổi về khỏi bệnh.
Chúc bạn sớm lấy lại cân bằng.
Muốn được chuyên gia tâm lý tư vấn, mời bạn gửi tâm sự tại đây.
Độc giả gọi điện tâm sự với biên tập viên theo số 0966 581 270. Các chia sẻ của bạn sẽ được đăng tải trên Tâm sự.