Thứ năm, 18/4/2024
Thứ năm, 6/4/2017, 16:30 (GMT+7)

Cỗ máy 'quái vật' 7.000 tấn hoàn thành đường hầm 3 km

Bertha, cỗ máy đào hầm lớn nhất thế giới, hoàn thành đường hầm dài gần 3 km dưới lòng thành phố Seattle, Mỹ, sau thời gian ba năm.

Cỗ máy 'quái vật' đào hầm 7.000 tấn hoàn thành đường hầm 3 km
 
 

Bertha chui ra từ đường hầm

Robot đào hầm lớn nhất thế giới tên Bertha khoan xuyên qua bức tường bê tông cốt thép dưới bóng công trình Space Needle nổi tiếng của Seattle lúc 11h15 sáng hôm 5/4, hoàn thành vài mét cuối cùng của đường hầm dài hơn 2.963 m trong dự án xây dựng con đường mới nối hai nửa phía bắc và nam của thành phố, theo New Atlas

Cách đây 3 năm, vào tháng 4/2014, Bertha bắt đầu nhiệm vụ đào hầm bên dưới những tòa nhà chọc trời của Seattle để thay thế cây cầu vượt 64 năm được kết luận là không an toàn sau trận động đất năm 2001. Chính quyền thành phố quyết định phá cầu vượt trên cao để dành chỗ cho công viên cạnh bờ sông và một đường hầm dưới lòng đất thông với đường cao tốc SR 99. 

Để thực hiện dự án trên, Sở giao thông bang Washington (WSDOT) và nhà thầu chính Seattle Tunnel Partners (STP) giao cho tập đoàn Hitachi Zosen của Nhật Bản chế tạo cỗ máy đào hầm lớn nhất thế giới. 

Dài 99,3 m và rộng 17,5 m, cỗ máy bằng thép có trọng lượng ban đầu 7.000 tấn. Tuy nhiên, cỗ máy đã được sửa chữa khác nhiều sau hư hỏng nặng ngay khi mới bắt đầu hoạt động.

Việc đào hầm bằng cỗ máy khổng lồ rất khó tính toán chính xác. Phát ngôn viên của WSDOT cho biết họ thậm chí không viết chắc điều gì sẽ xảy ra. Họ không rõ những cột bê tông sẽ vỡ vụn thành nhiều mảng nhỏ hay cả khối sẽ bị đẩy ra và sụp đổ.

Lúc đầu, dấu hiệu duy nhất cho thấy Bertha đang hoạt động là âm thanh chói tai phát ra từ sau cửa chắn ở đầu phía nam của chiếc hố sâu 27 m dùng để đưa robot đào hầm xuống dưới lòng đất.

Ở một mối nối của cửa chắn, bọt chảy thành dòng do các kỹ sư sử dụng dầu xả nhiều bọt để làm đất dễ đào qua hơn.

Vào lúc 9h45, cảnh tượng đột ngột thay đổi khi dòng nước bọt pha lẫn bùn đất phun ra từ chân cửa chắn, làm ngập hố. Cùng lúc, đĩa cắt khổng lồ của cỗ máy tiếp xúc với mặt trong của cửa chắn, kéo theo từng đám bụi trắng bốc lên mờ mịt.

Bụi khiến tầm nhìn trở nên mờ mịt trong nhiều phút và các phóng viên được yêu cầu lùi lại trong khi Bertha tạm dừng hoạt động và nước được phun ra để giảm bớt bụi mù.

Vào lúc 11h15, Bertha đẩy vỡ từng tảng bê tông, những thanh cốt thép chồng lên nhau rơi xuống vũng nước bên dưới. Trong vòng 20 phút, phần lớn cửa chắn đã mất. Đĩa cắt từng sơn màu xanh, đỏ, vàng tươi sáng với đầu cắt sắc bén giờ đây đã trở thành bề mặt kim loại cũ mòn với nhiều lưỡi cùn.

Theo WSDOT, sự kiện Bertha hoàn thành đường hầm khiến họ vừa mừng vừa lo. Một mặt, đường hầm độc đáo đã được đào xong. Nhưng mặt khác, cỗ máy đào hầm lớn đầy bụi bẩn chắn ngay đầu đường hầm.

Điều này có nghĩa các nhà thầu sẽ phải dùng vài ngày tiếp theo để tháo dỡ những cột đỡ khổng lồ dưới hố, sau đó đưa Bertha vào và dùng 5 tháng tiếp theo để tháo dời và chia nhỏ cỗ máy thành các phần nặng dưới 20 tấn, sau đó vận chuyển chúng qua đường phố.
Một số bộ phận sẽ được tận dụng và bán lại cho nhà sản xuất trong khi phần lớn thép sẽ được đưa tới lò rèn ở địa phương để nấu chảy và tái sử dụng cho quá trình xây đựng đường cao tốc bên trong hầm. Hố đưa máy xuống sẽ được sửa thành con dốc nối đường hầm với mạng lưới đường.
 

Phương Hoa (Ảnh: New Atlas)