Súng Super aEgis II được giới thiệu năm 2010 là vũ khí tự động bán chạy nhất Hàn Quốc, do tập đoàn DoDAAM sản xuất. Súng có khả năng xác định, theo dấu và tiêu diệt mục tiêu hoàn toàn tự động không cần con người điều khiển.
Ụ súng máy cao cỡ một mét, màu trắng với băng đạn 50 viên, được kết nối với máy tính và rất nhiều camera. Một màn hình hiển thị những hình ảnh từ camera nhìn thẳng, góc mở 180 độ bao quát phía trước mặt, trải dài đến tận đường chân trời. Một màn hình khác cung cấp những hình ảnh từ trên cao bao quát cả khu vực đặt ụ súng. Phạm vi hoạt động của súng là 4 km - khoảng cách đủ lớn để chiếm lợi thế. Các phím chức năng như ngắm bắn, đo khoảng cách tới mục tiêu, nạp đạn và khai hoả đều thực hiện được tự động hoặc qua cần điều khiển.
Khi phát hiện mục tiêu di động, camera xoay trên trục, khoá mục tiêu di chuyển trên màn hình của camera kính ngắm. Cảnh báo bằng giọng nói vang xa đến 3 km được kích hoạt, vì theo luật quốc tế, đối tượng xâm nhập phải được cảnh báo trước khi bắn hạ. Về mặt kỹ thuật, súng có thể tự động khai hoả nhưng theo yêu cầu bảo đảm an toàn của khách hàng, cần có mật khẩu để kích hoạt chức năng này.
Kỹ sư cao cấp Jungsuk Park, làm việc ở Ban giám sát Robot của DoDAAM, tiết lộ rằng công ty bán được hơn 30 bộ sản phẩm tích hợp hệ thống phòng thủ, mỗi bộ có giá thành hơn 40 triệu USD. Các vị trí trọng yếu được Super aEgis II bảo vệ phần nhiều nằm ở khu vực Trung đông như Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất, cung điện hoàng gia ở Abu Dhabi, bảo tàng vũ khí ở Qatar và rất nhiều sân bay, nhà máy điện, căn cứ quân sự không được tiết lộ trên khắp thế giới.
Quy định tự hạn chế
Năm 2005, New York Times đưa tin Lầu Năm Góc đang lên kế hoạch thay thế binh lính bằng máy móc nhằm giảm thiểu thương vong. Có thể hiểu được tại sao những vũ khí tự động như Super aEgis II, có thể tiêu diệt mục tiêu hoàn toàn tự động, không cần sự can thiệp của con người, đã tồn tại hơn một thập kỷ mà công chúng ít biết đến. Cuộc vận động của các tổ chức nhân quyền nhằm cấm ngay lập tức việc nghiên cứu phát triển, sản xuất và sử dụng rộng rãi vũ khí tự động, trở nên bất khả thi khi chúng đã tồn tại và được buôn bán trên thị trường từ lâu.
"Lúc bắt đầu kinh doanh vũ khí, chúng tôi nhìn thấy cơ hội này," Yangchan Song, giám đốc quản lý chiến lược phát triển của DoDAAM nói. "Vũ khí tự động sẽ phát triển mạnh trong tương lai. Chúng tôi đã đúng. Cuộc cách mạng vũ khí đến rất nhanh. Còn chúng tôi thì đã sẵn sàng chuyển từ vũ khí điều khiển từ xa sang vũ khí thông minh, có khả năng tự ra quyết định."
Hàn Quốc đi đầu trong lĩnh vực vũ khí quân sự tự động, do sự thôi thúc của nhu cầu cần có vũ khí hữu hiệu giám sát và bảo vệ vùng biên giới, khu vực phi quân sự ( DMZ) với Triều Tiên. Đó phải là loại vũ khí tối tân nhìn xuyên màn đêm, không biết ngừng nghỉ, khắc phục mọi hạn chế khuyết điểm của con người. Theo CEO của DoDAAM, Myung Kwang Chang, không có vũ khí nào lý tưởng hơn cho khu vực DMZ bằng Super aEgis II.
Khu vực DMZ là vùng đất không có người ở ngăn cách Hàn Quốc và Triều Tiên, kể từ khi kết thúc cuộc chiến tranh Triều Tiên năm 1953 mà không có hiệp ước hòa bình. Về lý thuyết, hai nước vẫn ở trong tình trạng có chiến tranh và vì vậy, vùng DMZ được canh gác cẩn mật bởi hàng nghìn binh lính của cả hai bên trong suốt thời gian dài.
Song ngồi xuống chiếc bàn rộng, bên cạnh là 5 kỹ sư trẻ - đa số tốt nghiệp từ một trong các trường thuộc hệ thống Ivy League danh giá ở Mỹ, và trở về làm việc trong lĩnh vực vũ khí đầy tiềm năng ở Hàn Quốc.
"Cái chính là phải phân biệt được quân ta hay quân địch, dân thường hay binh lính. Đó là bước phát triển tiếp theo của phần mềm điều khiển Super aEgis II," Song nói. "Trong một thập kỷ nữa, chúng tôi sẽ phát triển phần mềm phân biệt được kẻ thù dựa vào quân phục, thậm chí có thể phát hiện ra vật liệu nổ mà đối tượng giấu trong áo."
Các quy tắc phức tạp
Con người phải đối mặt với nhiều tình huống khó xử trong cuộc sống. Chẳng hạn như một lái tàu sẽ xử lý ra sao nếu điều khiển một đoàn tàu chở đầy người mất phanh. Nếu đi tiếp sẽ đâm phải đoàn tàu khác, nếu rẽ vào đường ray cứu hộ sẽ đâm phải công nhân đang bảo dưỡng. Vì thế, rất khó để lập trình sẵn cho máy mọc xử lý những tình huống này.
Ngoài ra, còn một vấn đề nữa là cho phép sự toàn quyền can thiệp của con người lên máy móc tự động. Trong thảm hoạ máy bay hồi tháng 3 của hãng Germanwings, cơ phó Andreas Lubitz đã cố tình đâm phi cơ vào núi French Alps, giết chết 150 người. Trong trường hợp này, một cá nhân có quyền quyết định đã tắt hệ thống lái tự động của máy bay, gây ra tai nạn thảm khốc.
Để phát triển một cỗ máy có lý trí, con người phải đối mặt với rất nhiều thách thức. Cần phải đưa ra những định nghĩa chính xác về khái niệm và phải lập trình trước mọi tình huống. Tuy nhiên, đạo lý là một khái niệm trừu tượng, có người quan niệm thế này là đúng, nhưng người khác lại cho là sai. Do đó, khó có thể bắt máy móc cư xử đạo đức bằng ngôn ngữ lập trình.
Những cỗ máy chiến tranh ngày càng được đẩy mạnh nghiên cứu và sản xuất với nhiều tính năng ưu việt, thông mình hơn. Nó còn được tối đa hóa những chức năng tự động, tạo ra một mạng lưới hệ thống vũ khí tự động có phạm vi ảnh hưởng rộng.
Trên thực tế, vũ khí tự động có khả năng tìm kiếm, xác định, lần vết, cảnh báo và tiêu diệt mục tiêu hoàn toàn tự động chẳng cần bất kỳ sự can thiệp nào của con người như súng Super aEgis II do tập đoàn DoDAAM sản xuất, đang hiện diện trên thế giới của chúng ta.
Điều duy nhất ngăn thứ vũ khí chiến tranh hiện đại này xuất hiện khắp mọi nơi và bắn giết tràn lan là do con người chưa muốn thế. Đại diện của DoDAAM khẳng định sẽ thực hiện được mọi yêu cầu đặt hàng của khách, tất nhiên là sẽ tư vấn đầy đủ những biện pháp an toàn, nhưng quyết định cuối cùng là của khách hàng.
Mô phỏng hoạt động của súng Super aEgis II. Video: Youtube
Tuệ Lâm (theo BBC)