![]() |
Chiếc máy bay thứ 2 lao vào Trung tâm Thương mại Thế giới hôm 11/9. |
Ngay sau vụ tấn công, Giáo sư Levedag, phụ trách kỹ thuật của Trung tâm Hàng không Đức (DLR) đã họp 700 nhân viên để bàn về chiến lược phát triển máy bay dân dụng an toàn cho tương lai. Theo Levedag, người ta có thể áp dụng một số giải pháp sau:
Thứ nhất là giải pháp nhanh: Xây một khoang riêng cho phi công, hoàn toàn tách biệt với chiêu đãi viên và hành khách. Để thực hiện điều đó, người ta có thể đại tu các máy bay hiện nay, nới rộng cabin lái, xây dựng toilet và cửa thoát riêng cho phi công.
Thứ hai là lắp các thiết bị gắn với hệ thống điều khiển máy bay, dùng để ngăn cản các hành vi sai trái của phi công. Ví dụ, phi công không thể nghiêng máy bay quá mức hoặc thay đổi đường lái hoặc tốc độ đột ngột. Thiết bị sẽ điều chỉnh máy bay, tự động tránh các vật cản như núi đồi hoặc nhà cửa, khiến cho bọn không tặc dù muốn tự sát cũng không thực hiện được.
Thứ ba là xây dựng một hệ thống điều khiển tất cả các máy bay từ dưới mặt đất. Đây có thể là giải pháp tối ưu trong tương lai. Tuy nhiên hiện thời, việc xây dựng một hệ thống kiểu này còn rất phức tạp và tốn kém. Chỉ có các máy bay chiến đấu tối tân mới được trang bị hệ thống định vị điều khiển từ xa. Mặt khác, nếu điều khiển máy bay hoàn toàn từ dưới mặt đất, người ta cần có những công ước quốc tế để thực hiện đồng loạt. Điều này hoàn toàn không đơn giản đối với các nước nghèo.
Minh Hy (theo dpa)