Thứ năm, 5/12/2024
Thứ bảy, 25/11/2023, 00:00 (GMT+7)

Cỏ lau nở trắng Bình Liêu

Quảng NinhĐến Bình Liêu vào tháng 11, du khách sẽ được chiêm ngưỡng cỏ lau nở trắng những triền đồi trên cung đường tuần tra biên giới, ngắm hoàng hôn và biển mây trên "sống lưng khủng long".

Cách Hà Nội gần 300 km, Bình Liêu là một huyện miền núi nằm ở phía Đông Bắc của tỉnh Quảng Ninh, có thời tiết mát mẻ, dễ chịu quanh năm, được ví như "Sa Pa thu nhỏ" giữa miền đất mỏ.

Bình Liêu có gần 50 km đường biên giới giáp Trung Quốc với một số cột mốc biên giới 1300, 1302, 1305 và 1327, thu hút nhiều du khách đến chụp ảnh, đặc biệt vào mùa cỏ lau.

Vào những ngày cuối tháng 10, đầu tháng 11, màu trắng của cỏ lau phủ khắp các triền đồi trên cung đường tuần tra biên giới nằm ở độ cao 700 m so với mực nước biển. Trên đường chinh phục các cột mốc, du khách có thể thu vào tầm mắt khung cảnh núi đồi trùng điệp, những đồng lau trắng đung đưa trong gió thu.

"Thiên đường cỏ lau" Bình Liêu là điểm đến của Nguyễn Trí Thành, 25 tuổi, ở Hà Nội, trong chuyến đi vào ngày 9/11. Từ Hà Nội, Thành di chuyển bằng xe máy khoảng 270 km, mất hơn 5 tiếng để đến thiên đường cỏ lau ở Bình Liêu.

Hiện đã có cao tốc từ Hà Nội tới Vân Đồn dài khoảng 200 km, du khách có thể dễ dàng đến Bình Liêu với quãng thời gian ngắn hơn nếu sử dụng ôtô hoặc xe khách. Nếu nghỉ tại thị trấn Bình Liêu, du khách nên thuê xe máy để trải nghiệm cung đường tuần tra biên giới với giá thuê một ngày dao động 200.000 - 300.000 đồng một xe.

Cột mốc nổi tiếng nhất ở Bình Liêu là 1305 với con đường được gọi là "sống lưng khủng long" chạy dài khoảng 2 km trên sống núi, hai bên là triền vực. Con đường ngoằn ngoèo tạo thành bức tường thành ngăn cách địa phận hai nước Việt Nam - Trung Quốc.

Trên sống lưng khủng long, cỏ lau đã nở nhưng không nhiều, tụm lại thành từng góc. Bù lại, khi phóng tầm mắt ra xa, du khách sẽ chiêm ngưỡng toàn cảnh thiên nhiên hùng vĩ, những con đường mòn uốn lượn quanh co giữa núi rừng và "cảm giác tự do, phóng khoáng dưới bầu trời thoáng đãng", Thành cho biết.

Từ địa phận xã Vô Ngại, huyện Bình Liêu, Thành di chuyển đến xã Bắc Xa, huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn, để chinh phục cột mốc 1297. "Đây mới là thiên đường cỏ lau thực sự", anh chia sẻ. Đường lên cột mốc 1297 cả đi và về khoảng 1,5 km, tương đối dễ đi.

Cỏ lau ở đây nở nhiều hơn so với đường đến cột mốc 1305. Màu trắng của cỏ lau nổi bật giữa màu xanh của cây cối, núi rừng, làm sáng bừng từng góc.

Năm trước, Thành cũng đến cột mốc 1297 vào mùa cỏ lau, song do thời tiết xấu, mây mù nhiều nên không chiêm ngưỡng được hết vẻ đẹp của nơi đây.

Cỏ lau ở đây có những đoạn cao vượt đầu người, nở với mật độ dày, cảm tưởng như khung cảnh được phủ một lớp tuyết trắng khi nhìn từ xa, Thành cho biết.

Dù quanh Hà Nội có một vài địa điểm có cỏ lau nhưng không nơi nào có cánh đồng cỏ lau "khổng lồ" và nở dày như ở Bình Liêu, Thành nhận xét.

Theo Thành, thời điểm đẹp nhất để chụp ảnh cỏ lau là vào hoàng hôn. Ánh nắng chiều tàn khiến hậu cảnh núi đồi tối dần, làm nổi bật từng đường nét thanh mảnh của cây lau.

Ngoài check in với đồng cỏ lau, cột mốc biên giới hay ngắm hoàng hôn, du khách còn có thể chiêm ngưỡng biển mây trắng bay ngang đỉnh núi.

Khi mới nở, bông lau có màu trắng tinh khôi, mọc thành từng cụm. Trước khi tàn, hoa ngả dần sang màu vàng và rụng, bay theo gió.

Theo chia sẻ của người dân địa phương, cỏ lau nở đẹp nhất vào khoảng giữa và gần cuối tháng 11 trước khi rụng hết vào đầu tháng 12.

Vì là khu vực biên giới nên khi đến check in tại các cột mốc, du khách cần khai báo thông tin cá nhân với cán bộ biên phòng.

Việc chinh phục cột mốc 1305 khá tốn thể lực bởi dù đường đi có bậc thang nhưng nhiều dốc dài, gắt và liên tục, tổng thời gian đi và về hơn 3 tiếng. Thành khuyên du khách nên mang theo nước và đồ ăn để tiếp sức trên đường đi. Nếu muốn check in hết các cột mốc trên cung đường tuần tra biên giới, du khách nên sắp xếp chuyến đi trong hai ngày một đêm.

Quỳnh Mai
Ảnh: Nguyễn Trí Thành

Mời độc giả gửi bài, câu hỏi tại đây hoặc về dulich@vnexpress.net