Vào những ngày cuối cùng của năm 2000, trước sự phản ứng mạnh mẽ của công luận và thân nhân người lao động tại Samoa, nhiều “cò” xuất khẩu lao động đã trực tiếp đến gia đình người lao động để đàm phán.
Ngày 31/12/2000, đại diện của 9 gia đình ở Hải Phòng bao gồm ông Dương Văn Ngọc, Đoàn Văn Toán, Nguyễn Quốc Dũng, Nguyễn Văn Oanh, Nguyễn Tiến Năng, Nguyễn Đình Thưởng, Phạm Văn Lộc, Nguyễn Thị Hải, Nguyễn Văn Tam đã lên Hà Nội để nắm tình hình. Họ cho biết là đã phải đưa tiền cho ông Huấn, Phó Giám đốc Trung tâm tư vấn trực thuộc Liên minh các Hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp, thành phố Hải Phòng, mỗi người từ 5.000 USD đến 5.200 USD. Điều may mắn theo lời họ là số tiền trên đều có giấy tờ và đóng dấu xác nhận. Ông Phùng Văn Chính ở Bắc Ninh, bố của chị Phùng Thị Lan phản ánh, chiều 31/12 một “cò” lao động của Công ty Du lịch 12 đã đến nhà ông để thương luợng và yêu cầu giữ im lặng. Ông kể lại, “cò” Thanh, nhân viên của Công ty Du lịch 12 nói rằng sẽ trả ông 2.000 USD nếu ông đồng ý viết giấy giữ im lặng và không kiện cáo. Ông Chính kiên quyết không chấp thuận vì như vậy sẽ là cái lợi trước mắt mà phản lại lời nói của chính mình cũng như đi ngược lại quyền lợi của 246 lao động đang ở Samoa và thân nhân của họ. Sau một hồi thỏa thuận không được, “cò” Thanh đã đưa ra giấy triệu tập vào ngày 2/1/2001 của Thanh tra Tổng cục Du lịch và xin ông Chính hãy vì lòng thương mà im lặng. Ngày 30/12, tại số nhà 70A, đường Thống Nhất, thị xã Hải Dương, 15 gia đình ở Hải Dương là thân nhân của lao động tại Samoa đã tập trung phản ánh những bức xúc của mình. Ông Nguyễn Văn Hẹn, bố của lao động Nguyễn Hải Quế, đại diện cho 15 gia đình, thống thiết: “Mục tiêu của chúng tôi là cho con em đi xuất khẩu lao động để xóa đói giảm nghèo, mang lại kinh tế cho gia đình. Chúng tôi chẳng biết Công ty Daewoosa là công ty Tây, Tàu gì hết. Chúng tôi chỉ biết Công ty Du lịch 12 đã đưa con em chúng tôi đi thì bây giờ phải đảm bảo an toàn và thực hiện đúng hợp đồng. Con chúng tôi đi Mỹ đấy, vậy mà cơm không có mà ăn”. Ông tiếp, “hôm qua, con tôi điện thoại về nói rằng: đã bị cắt điện rồi, khả năng vài ngày nữa là bị cắt nước, không biết tình hình rồi sẽ ra sao”. Ông Hẹn cho biết ông và ông Bùi Xuân Hinh, bố của chị Bùi Thị Thanh Huyền đi theo đường dây của anh Đỗ Văn Bình ở nhà số 12A, phố Tuy An, Hải Dương. Số tiền mỗi người phải chi cho anh Bình để “mua một chỗ làm” cho con là 5.800 USD. Anh Lều Thọ Sơn ở 218 Đặng Quốc Trinh, Hải Dương, chồng của chị Ngô Thị Tiệp cho biết: “vợ tôi đi theo đường dây của anh Nguyễn Văn Nhã ở số 24, phố Bạch Đằng với số tiền 5.000 USD”. Anh Nguyễn Đức Cần ở xã Phú Tảo, huyện Gia Lộc, Hải Dương, chồng của chị Hoàng Thị Hằng nói là đi theo đường dây của chị Nguyễn Thị Mai ở ngõ 32 Cát Linh với số tiền 4.500 USD. Trước đó, ngày 29/12, anh Hoàng Văn Lợi, chồng của lao động Lê Thị Mai Phương kể lại là hôm 28/12, các “cò” lao động đã mời anh lên Hà Nội để thương lượng. “Họ đã trả lại tôi 7 triệu đồng và hứa sẽ lo cho vợ tôi về nước, và tiếp tục trả lại tôi 4.000 USD. Đồng thời, họ cũng yêu cầu tôi viết giấy không kiện cáo gì”, anh Lợi nói. Cùng đi với anh Lợi còn có anh Trần Văn Hải ở xã Trường Yên, Hoa Lư, Ninh Bình (chồng của chị Dương Thị Thơm đang ở Samoa). (Theo Sài Gòn Giải Phóng, 2/1).