Doanh nghiệp này nằm ở một tỉnh phía Bắc, có hàng nghìn công nhân, sản xuất nhiều mặt hàng xuất khẩu sang các nước EU và Mỹ.
Đối tác mua hàng của họ đã có yêu cầu chính thức về việc nhà máy phải sử dụng năng lượng tái tạo thì mới tiếp tục làm ăn trong các năm tiếp theo. Tỷ lệ năng lượng tái tạo sẽ phải nâng dần qua từng năm.
Để có thể đáp ứng yêu cầu của khách hàng, các nhà máy như vậy có hai lựa chọn: một là mua điện trực tiếp của một dự án điện tái tạo; hai là lắp các tấm pin mặt trời ngay trên mái nhà xưởng.
Phương án thứ nhất chỉ cho phép áp dụng với những nhà máy lớn. Nghị định về cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) mới được ban hành yêu cầu nhà máy phải thuộc diện khách hàng lớn, tiêu thụ điện trung bình 200.000 kWh/tháng. Theo tổng kết của Bộ Công Thương, chỉ có hơn 7.000 khách hàng sử dụng điện đáp ứng được điều kiện này.
Rất nhiều nhà máy đang tham gia vào chuỗi cung ứng xuất hàng sang các nước phát triển không thể đáp ứng. Những nhà máy này chỉ có thể lựa chọn lắp đặt điện mặt trời trên mái nhà, nhưng giải pháp này lại đang phải đợi chính sách, và những thảo luận chính sách lại dường như đang chệch hướng. Nhiều vướng mắc đang không được thảo luận giải quyết.
Thứ nhất, các tấm pin mặt trời trên mái nhà xưởng, theo tính toán, chỉ có thể đáp ứng được khoảng 20% nhu cầu năng lượng. Con số này có thể thỏa mãn khách hàng nước ngoài trong những năm đầu, nhưng vẫn sẽ cần thêm các nguồn năng lượng tái tạo trong những năm tiếp theo.
Thứ hai là vướng mắc từ quy hoạch. Quy hoạch điện VIII có những điểm gây bối rối khi nói về điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu. "Từ nay đến năm 2030, công suất các nguồn điện loại hình này ước tính tăng thêm 2.600 MW. Loại hình nguồn điện này được ưu tiên phát triển không giới hạn công suất...". Một doanh nhân đọc xong hỏi tôi: "Vậy rốt cục là điện mặt trời mái nhà sẽ bị giới hạn tăng thêm 2.600 MW hay không giới hạn công suất?"
Doanh nghiệp đương nhiên muốn không giới hạn công suất, nhưng Bộ Công Thương không nghĩ vậy. Kế hoạch thực hiện quy hoạch điện VIII đã chốt cứng công suất điện mặt trời mái nhà tăng thêm là 2.600 MW, đồng thời phân bổ con số này cho 63 tỉnh thành, tỉnh được nhiều nhất là 229 MW.
Mức phân bổ này dường như quá nhỏ so với nhu cầu của các doanh nghiệp. Một khu công nghiệp ở Hải Phòng cho biết: "Hải Phòng được 107 MW. Nhưng khảo sát lượt đầu tại các khu công nghiệp cho thấy nhu cầu không dưới 400 MW". Nếu chỉ được lắp 107 MW, nhiều doanh nghiệp của Hải Phòng sẽ phải từ bỏ việc xuất hàng sang các nước phát triển. Chuyện không riêng gì Hải Phòng, doanh nghiệp tại địa phương khác cũng đang lo lắng, nhất là tại các vùng kinh tế trọng điểm như Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ.
Nhưng không chỉ dừng lại ở Quy hoạch điện lực, Quy hoạch tổng thể quốc gia cũng được Bộ Công Thương viện dẫn để nói về phát triển điện mặt trời. Trong Tờ trình dự thảo Nghị định điện mặt trời mái nhà, Bộ Công Thương cho rằng "điện mặt trời mái nhà vùng đồng bằng sông Hồng, vùng Đông Nam Bộ không được phát triển". Lý do là Quy hoạch tổng thể quốc gia không định hướng phát triển năng lượng tái tạo tại hai vùng này như định hướng tại các vùng khác trên cả nước.
Một chuyên gia về quy hoạch nói với tôi: "Như vậy thì sẽ không được mở quán phở vì không có quy hoạch phở". Nhưng pháp luật đã nghiêm cấm hành vi "thực hiện không đúng quy hoạch", và nhiều cán bộ đã bị truy cứu vì lý do này.
Thứ ba là vướng mắc về cơ chế đầu tư lắp đặt pin mặt trời.
Các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu thường không có sẵn nhân lực, kinh nghiệm cũng như nguồn vốn để đầu tư lắp pin mặt trời trên mái. Trong khi đó, trên thị trường có sẵn nhiều doanh nghiệp chuyên về điện mặt trời (tạm gọi là các công ty solar) sẵn sàng hợp tác. Cơ chế hợp tác là công ty solar sẽ đầu tư toàn bộ hệ thống tấm pin, chịu trách nhiệm vận hành, bảo trì. Điện sản xuất ra sẽ được nhà máy sử dụng và trả tiền cho bên solar theo lượng điện năng.
Bộ Công Thương cho rằng việc này không phù hợp với chủ trương phát triển điện mặt trời mái nhà, vì đây là hành vi mua bán điện, không đúng với tinh thần chỉ cho phép điện tự sản tự tiêu.
Tôi mới trao đổi với vị doanh nhân ở đầu bài về quá trình thảo luận chính sách này. Rất nhiều ý kiến tập trung vào việc cho phép bán điện lên lưới với mức giá bao nhiêu. Từ chỗ quy định không cho bán lên lưới, giá 0 đồng, dự thảo đã tiến đến cho bán 20% công suất với giá trung bình của năm trước.
Anh than: "Chúng tôi không quan tâm đến việc đó. Cái chúng tôi quan tâm là phải được làm đã, để còn duy trì đơn hàng. Không được làm thì nhà máy đóng cửa".
Tôi nói: "Nhưng nếu được trả thêm chút tiền thì vẫn tốt hơn chứ?"
Anh nghĩ một lúc rồi lắc đầu: "Chưa chắc. Trả tiền như vậy thì đối tượng được hưởng lợi nhất là điện mặt trời trên mái nhà dân, chứ không phải nhà xưởng. Nếu nhà dân lắp nhiều điện mặt trời, thì phần công suất còn lại trong quy hoạch dành cho nhà xưởng sẽ ít đi".
Điện mặt trời vốn là loại hình năng lượng không ổn định. Nếu phát triển quá nhiều sẽ tác động tiêu cực đến hệ thống điện quốc gia. Nhiều quốc gia khác phát triển quá mạnh điện mặt trời phải đối mặt với tình trạng điện áp trồi sụt, các chi phí phát điện, truyền tải và phân phối đều tăng. Do đó, tỷ trọng của điện mặt trời trong tổng thể nguồn điện là có giới hạn.
Khi đã bị giới hạn như vậy, thì có lẽ nên tập trung nguồn điện này cho nơi cần nhất, chính là các nhà máy làm hàng xuất khẩu.
Một tập đoàn toàn cầu chuyên mua hàng từ Việt Nam cũng cho biết họ bắt đầu phải thăm dò nhà cung cấp từ Bangladesh. Nếu điện mặt trời vẫn tắc ở Việt Nam, lượng đặt hàng từ Bangladesh cho các năm sau sẽ tăng lên.
Chủ một doanh nghiệp solar mới đây chia sẻ với tôi dự định "sang Campuchia làm ăn". Đó là một doanh nghiệp có nhân lực và biết cách huy động tài chính. Họ không thể ngồi chờ chính sách mà buộc phải tìm cách giải quyết việc làm cho nhân viên của mình.
Vị đó nói: "Tiền phải chạy, tiền không chờ chính sách".
Nguyễn Minh Đức