Cựu tổng thống Donald Trump và Tổng thống Joe Biden sẽ tái đấu vào tháng 11 và Trung Quốc đang chuẩn bị cho kịch bản ứng phó với nước Mỹ nếu một trong hai người trở thành tổng thống.
Các lãnh đạo cấp cao Trung Quốc không công khai đề cập tới cuộc bầu cử Mỹ. Tuy nhiên, một chiến lược quan trọng nhằm biến Trung Quốc thành cường quốc công nghệ cao được xem là một phần nỗ lực để bảo vệ đất nước trước những lệnh hạn chế công nghệ từ Mỹ và nguy cơ mối quan hệ Mỹ - Trung thêm rạn nứt.
Ngoại trưởng Vương Nghị đã đưa ra dấu hiệu rõ ràng hơn về sự lo lắng ẩn sau chiến lược đó, khi ông nói rằng các biện pháp kiểm soát thương mại và công nghệ mà Mỹ nhắm vào Trung Quốc "vô lý quá mức".
Giới quan sát chính trị Trung Quốc cho biết đằng sau hậu trường, các cuộc thảo luận của giới chức ở Bắc Kinh về cuộc bầu cử Mỹ sắp tới trực diện hơn, đặc biệt là triển vọng ông Trump trở lại.
Quan chức văn phòng đối ngoại của đảng Cộng sản Trung Quốc nhiều khả năng đã được giao nhiệm vụ "lập kịch bản và phân tích" về những tác động nếu ông Trump hoặc ông Biden chiến thắng, theo Brian Wong, thành viên Trung tâm Trung Quốc và Thế giới đương đại thuộc Đại học Hong Kong.
Khi ông Trump vào Nhà Trắng năm 2017, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ban đầu nhận thấy tiềm năng để củng cố quan hệ với Mỹ sau những dấu hiệu căng thẳng dưới thời chính quyền Barack Obama.
Tháng 4 năm đó, ông Tập đã tới thăm Mỹ và được chào đón ở dinh thự Mar-a-Lago của ông Trump ở bang Florida. 7 tháng sau, ông Trump cùng đệ nhất phu nhân Melania tới Bắc Kinh. Trung Quốc đã tiếp đón rất trọng thị với lễ đón tại Đại lễ đường Nhân dân được truyền hình trực tiếp và chuyến tham quan Tử Cấm Thành.
Ông Trump sau đó ca ngợi sự tiếp đón của chính phủ Trung Quốc, gọi ông Tập là "người rất đặc biệt" và cho biết họ "rất hợp nhau".
Nhưng chỉ trong vòng một năm, mối quan hệ đã trở nên căng thẳng khi ông Trump tung đòn thuế quan lớn, bắt đầu từ 25% với 50 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. Động thái này đã vấp phản ứng đáp trả từ Bắc Kinh, gây ra cuộc chiến thương mại leo thang giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới.
Mối quan hệ tiếp tục lao dốc vì nhiều vấn đề, từ nỗi lo của Mỹ về an ninh quốc gia liên quan tới gã khổng lồ viễn thông Huawei đến cách Trung Quốc xử lý đợt bùng phát Covid-19.
Lần tranh cử này, ông Trump đã tiếp tục ca ngợi lãnh đạo Trung Quốc. Song ông cũng cảnh báo sẽ chống lại những gì ông xem là hoạt động thương mại không công bằng. Trong chương trình Sunday Morning Futures của Fox News ngày 4/2, ông Trump cho biết sẽ cân nhắc áp thuế hơn 60% với tất cả hàng nhập khẩu từ Trung Quốc nếu trở lại Nhà Trắng.
Ông thậm chí đe dọa thu hồi quy chế "quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR)" với Trung Quốc.
Động thái này có thể tạo ra biến động đáng kể trong quan hệ thương mại, nhiều khả năng làm giảm thị phần của hàng Trung Quốc ở Mỹ từ gần 20% xuống khoảng 3%, theo phân tích của Oxford Economics.
"Nếu nhiệm kỳ hai của ông Trump thực hiện chính sách tách rời mạnh mẽ với Trung Quốc, tác động của nó với Bắc Kinh sẽ rất nghiêm trọng. Song liệu điều này có xảy ra hay không vẫn chưa rõ ràng, ông Trump là người rất khó đoán. Không ai có thể nói trước Trump sẽ làm gì và đây là vấn đề", Bala Ramasamy, giáo sư kinh tế tại Trường Kinh doanh Quốc tế Trung Quốc - châu Âu ở Thượng Hải, nói.
Các biện pháp như vậy sẽ đến vào thời điểm tồi tệ đối với nền kinh tế Trung Quốc, vốn đang đối mặt tình trạng nhu cầu tiêu dùng và giá giảm trong bối cảnh có nhiều vấn đề khác như tỷ lệ thất nghiệp cao và khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản.
"Trung Quốc sẽ thấy lo ngại nếu ông Trump trở lại. Nếu không có đủ hàng hóa xuất khẩu, đủ việc làm, đủ lương để tăng tiêu dùng trong nước, xã hội Trung Quốc sẽ đối mặt nhiều thách thức hơn", Shen Dingli, nhà phân tích chính sách đối ngoại tại Thượng Hải, cho hay.
Không rõ liệu ông Trump có thực hiện các biện pháp mạnh tay như vậy nếu trở lại Nhà Trắng hay không, bởi nó cũng sẽ tác động tới nền kinh tế và việc làm ở Mỹ. Tuy nhiên, Trung Quốc nhiều khả năng đã cân nhắc các kế hoạch dự phòng.
Nhiều công ty Trung Quốc đã xây dựng các nhà máy sản xuất hàng hóa ở khu vực Đông Nam Á và Mỹ Latin để có thể tránh bị đánh thuế của Mỹ. Các lãnh đạo Trung Quốc cũng có thể tìm cách tăng cường quan hệ với các thị trường ở châu Âu và nước đối tác khác thông qua sáng kiến Vành đai Con đường.
Tuy nhiên, lo ngại về những khó khăn khi Trump trở lại không đồng nghĩa giới chức Trung Quốc hoan nghênh chiến thắng của ông Biden.
Tổng thống Biden được xem là lãnh đạo điềm đạm hơn, quan tâm tới sự ổn định toàn cầu và sẵn sàng làm việc với Trung Quốc trong một số lĩnh vực. Ông cũng là người quen thuộc với ông Tập hơn khi hai người đã biết nhau trong hơn một thập kỷ, kể từ khi cả hai đều là phó lãnh đạo đất nước.
Lần gần nhất ông Biden và ông Tập gặp nhau là tại hội nghị thượng đỉnh ở San Francisco, Mỹ vào tháng 11 năm ngoái. Hai bên thống nhất tái lập đường dây liên lạc quân sự đã bị gián đoạn do những căng thẳng trong năm qua và đây là kết quả được cộng đồng quốc tế đánh giá tích cực.
Tuy nhiên, ông Biden đã khiến cộng đồng chính sách đối ngoại của Trung Quốc thất vọng khi giữ nguyên chính sách thuế quan thời ông Trump và sau đó áp bổ sung loạt hạn chế, ngăn cản Trung Quốc tiếp cận công nghệ cao của Mỹ. Các nhà phân tích cho biết những biện pháp hạn chế này đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới khả năng sản xuất chất bán dẫn và sự phát triển chung của Trung Quốc.
Tổng thống Biden đã nhấn mạnh những biện pháp này trong Thông điệp Liên bang hồi tháng trước, vài ngày sau khi Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đọc báo cáo chính phủ và nhấn mạnh sự cần thiết phải thúc đẩy phát triển công nghệ cao, khả năng tự lực của Bắc Kinh.
Mục tiêu thúc đẩy công nghệ cao của Trung Quốc bắt nguồn từ một số yếu tố, gồm nỗ lực "đại phục hưng" của ông Tập nhằm khiến Trung Quốc trở nên thịnh vượng trong nước và trở thành cường quốc chi phối toàn cầu. Song các chính sách hạn chế của chính quyền ông Biden và lo ngại về các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn nữa đã tăng thêm tính cấp bách cho mục tiêu này.
Việc Tổng thống Biden xây dựng các mối quan hệ liên minh của Mỹ trên khắp châu Á cũng khiến Bắc Kinh ngày càng cảnh giác. "Ông Biden sử dụng chiến lược liên minh để cô lập Trung Quốc hiệu quả hơn nhiều so với ông Trump. Ngay cả khi ông Biden không tăng thuế, ông ấy có thể làm suy giảm khả năng sản xuất các sản phẩm công nghệ cao của Trung Quốc", Shen nói.
Sự trở lại của ông Trump có thể đảo lộn cán cân địa chính trị hiện tại, vốn chứng kiến Mỹ và đồng minh ngày càng đoàn kết chống lại Nga và mối đe dọa từ Trung Quốc. Lập trường "Nước Mỹ trước tiên" của ông Trump có thể tạo cơ hội đáng kể cho tham vọng nâng tầm ảnh hưởng toàn cầu của Bắc Kinh.
Ông Trump đã khiến các nước châu Âu chấn động khi nói rằng sẽ không bảo vệ các đồng minh không đạt mục tiêu chi tiêu quốc phòng của NATO. Cựu tổng thống cũng cho thấy ông không ngần ngại áp các biện pháp thương mại chống lại châu Âu, động thái chắc chắn sẽ làm tổn hại mối quan hệ mà ông Biden cố gắng tái thiết. Ông Trump gần đây còn kêu gọi quốc hội Mỹ phản đối gói viện trợ quốc phòng mới cho Ukraine.
Các học giả Trung Quốc lưu ý rằng ông Trump cũng tỏ ra ít quan tâm tới việc duy trì vai trò lãnh đạo trật tự toàn cầu của Mỹ, điều mà ông Tập muốn hướng tới.
Ngoài những phàn nàn về NATO, ông Trump đã chỉ trích các hiệp ước an ninh giữa Mỹ với Nhật Bản và Hàn Quốc, từng đe dọa rút quân đồn trú của Mỹ tại những nước đó.
Triển vọng các mối quan hệ liên minh của Mỹ trong khu vực suy yếu dưới thời Trump sẽ có lợi cho Trung Quốc, theo các nhà phân tích.
Tuy nhiên, sự trở lại của ông Trump sẽ khiến cho các chính sách của Mỹ trở nên khó đoán hơn và có thể khiến quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh leo thang, theo Wong.
Những thách thức và cơ hội đan xen phác họa nên một bức tranh phức tạp cho các quan chức Trung Quốc hậu bầu cử tổng thống ở Mỹ. "Bất kể ai thắng, mối quan hệ cạnh tranh, đối đầu và gây áp lực giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn còn đó", Wang Yiwei, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh, nhận định.
Thanh Tâm (Theo CNN, Reuters, AFP)