Trong giai đoạn ngành du lịch tàu biển ngày càng phổ biến và có những chuyển biến tích cực, CEO Vietyacht chia sẻ góc nhìn về ngành du thuyền Việt trong thời gian tới.
- Ông đánh giá như thế nào về tốc độ phát triển thị trường du thuyền Việt Nam?
- Vietyacht là đơn vị đầu tiên ở Việt Nam nhận hợp đồng độc quyền của một hãng du thuyền châu Âu vào tháng 5/2017. Chúng tôi là một trong những người đầu tiên đặt nền móng cho thú chơi du thuyền chính hãng tại Việt Nam và chứng kiến tất cả sự thay đổi và phát triển của ngành.
Đến nay, gần như tất cả các thương hiệu du thuyền lớn trên thế giới đều nhận thấy tiềm năng của thị trường Việt nam. Tính đến thời điểm này có khoảng 40 thương hiệu lựa chọn Việt Nam là điểm đến để phát triển, thị trường ngày càng sôi động với hơn 10 nhà phân phối lớn nhỏ, điều đó đã cho thấy tốc độ phát triển của thị trường trong những năm vừa qua.
Không chỉ Việt Nam, thị trường châu Á nói chung cũng được đánh giá là một "miếng bánh lớn" mà các hãng du thuyền châu Âu đều muốn giành thị phần. Đơn cử như Tập đoàn Ferretti Group với ba thương hiệu mà Vietyacht đang độc quyền phân phối đã thắng lớn tại châu Á với nhiều mẫu du thuyền hạng sang và siêu sang được tiêu thụ tại thị trường Hong Kong trong năm 2020, giữ vững thị phần hàng đầu tại châu Á - Thái Bình Dương.
Ngành du thuyền đã bắt đầu xuất hiện không chỉ ở hoạt động sở hữu hay cho thuê, mà còn là một phong cách sống mới, một thú chơi mới. Bên cạnh đó, xu hướng tổ chức các sự kiện trên du thuyền, bến du thuyền cũng trở nên phổ biến trong thời gian gần đây. Vì vậy, chúng tôi tin tưởng tiềm năng phát triển mạnh mẽ của ngành ngành du thuyền Việt trong thời gian sắp tới.
- Vậy theo anh cơ hội và thách thức của ngành du thuyền Việt Nam hiện nay là gì?
- So với các thị trường đã phát triển với bề dày lịch sử như các nước châu Âu, phải nói rằng thị trường Việt Nam còn rất mới. Trước đây, thú chơi du thuyền mới chỉ phát triển mạnh ở thị trường phía Nam và các sản phẩm được nhập về hầu như là du thuyền đã qua sử dụng. Cho tới khi Vietyacht với hợp đồng phân phối độc quyền đầu tiên từ thương hiệu Jeanneau thì sân chơi của du thuyền chính hãng mới bắt đầu.
Việt Nam đang sở hữu những cơ hội tuyệt vời để ngành du thuyền phát triển. Cụ thể, Việt nam đã vào Top 10 quốc gia có sự tăng trưởng kinh tế nhanh nhất thế giới với tốc độ tăng trưởng người siêu giàu nhanh hàng đầu thế giới (31%) trong 5 năm tới (theo dự báo của Knight Frank), dự kiến tới năm 2025, Việt Nam sẽ có 511 người có tài sản trên 30 triệu USD và 25.812 sở hữu tài sản hơn một triệu USD.
Chính phủ cũng rất quan tâm đến việc phát triển kinh tế biển nói chung thông qua Nghị quyết 36 về phát triển kinh tế biển và cụ thể hóa bằng Nghị quyết số 26 về phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam. Ngoài ra, nhiều địa phương trong cả nước rất quan tâm đến việc phát triển hệ thống giao thông đường thủy và du lịch đường sông như TP HCM, Thành phố Đà Nẵng...
Bên cạnh đó, theo thống kê hiện trong cả nước đã có hàng trăm dự án xây dựng bến du thuyền gắn liền với các khu du lịch, resort, các dự án bất động sản ven biển, ven sông được đăng ký. Đây sẽ là cú hích rất lớn cho ngành du thuyền phát triển trong những năm tới.
Tác động của Covid-19 đã làm thay đổi thói quen sinh hoạt của người dân, xu hướng sử dụng các phương tiện cá nhân sẽ trở thành một trào lưu mới góp phần không nhỏ làm tăng nhu cầu sở hữu du thuyền cá nhân.
Bên cạnh những cơ hội thì ngành du thuyền non trẻ của Việt Nam cũng phải đối mặt với nhiều thách thức. Có lẽ thách thức lớn nhất chính là cơ chế chính sách hiện còn khá nhiều bất cập, tiếp đến là hệ thống cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ cho du thuyền cũng còn nhiều hạn chế, cả nước hiện mới chỉ có một bến du thuyền duy nhất đạt tiêu chuẩn quốc tế dành cho du thuyền là bến Ana Marina tại Nha Trang được đưa vào hoạt động.
Kế tiếp là nguồn nhân lực chưa đáp ứng kịp nhu cầu phát triển và cuối cùng là định hướng thị trường chung. Tại sao tôi lại nói đến định hướng ở đây? Vì tại Việt Nam chúng ta chưa thành lập được hiệp hội du thuyền như ở các nước để thống nhất lộ trình và chiến lược phát triển chung, đồng thời tham vấn cho các cơ quan quản lý nhà nước những khung pháp lý cũng như tiêu chuẩn chung cho ngành.
Ngoài ra, thị trường cũng chưa hình thành được một hệ sinh thái hoàn hảo theo đúng tiêu chuẩn của ngành du thuyền. Đơn cử như Vietyacht, chúng tôi đã phải tự tạo ra hệ sinh thái của riêng mình để phục vụ tốt nhất cho nhu cầu của khách hàng với các gói dịch vụ trọn gói. Trong khi ở các nước phát triển thì các dịch vụ phụ trợ hoàn toàn có thể sử dụng nhà thầu phụ hay các đơn vị khác trong ngành.
- Vietyacht là một trong những đơn vị hàng đầu trong lĩnh vực kinh doanh du thuyền. Sau 5 năm phát triển, ông nhận thấy Vietyacht hiện đang ở đâu trên bản đồ du thuyền Việt?
- Thành lập từ cuối năm 2015, chúng tôi đã đánh dấu nửa thập kỷ cống hiến cho ngành du thuyền Việt. Vietyacht đã thành công đưa gần 40 mẫu du thuyền phổ thông, tầm trung, hạng sang đến với khách hàng dọc khắp bờ biển Việt Nam, đủ ba miền Bắc - Trung - Nam và cả thành phố đảo Phú Quốc. Đến thời điểm này có thể tạm thời xếp Vietyacht ở vị trí hàng đầu thị trường dựa vào các tiêu chí chung của ngành du thuyền thế giới, cụ thể số lượng sản phẩm bán ra trên thị trường và tổng số mét dài hay feet, đặc biệt tiêu chí số lượng thương hiệu mà chúng tôi đang sở hữu độc quyền như Jeanneau, Prestige, Fountaine Pajot, Ferretti Yachts, Pershing và Riva.
- Vậy, ông cho rằng rào cản lớn nhất của ngành du thuyền Việt Nam nói chung và Vietyacht nói riêng đang phải đối mặt hiện nay là gì?
- Là một nhà tiên phong trong ngành, đồng nghĩa với việc chúng tôi làm những điều chưa ai làm nên không thể tránh khỏi nhiều rủi ro. Du thuyền vẫn còn khá mới mẻ với đa phần người dân Việt và với cả các cơ quan quản lý nhà nước. Có lẽ rào cản lớn nhất với ngành du thuyền hiện nay như đã nói chính là cơ chế chính sách. Chúng ta chưa có được những chính sách thông thoáng nhất để hỗ trợ cho sự phát triển của ngành như Singapore, Thái Lan, Hong Kong...
Cụ thể như ở Thái Lan, đầu năm nay họ đã có cuộc họp và đã đưa ra những quyết định quan trọng, bao gồm việc các siêu du thuyền có gắn cờ nước ngoài sẽ được chào đón khi cập bến Thái Lan và cho phép họ neo đậu, hoạt động mà không phải trả thuế VAT trên giá trị thật. Đây chính là kế hoạch từ năm 2015, khi đó Thủ tướng Thái Lan đã giao nhiệm vụ cho Bộ Giao thông Vận tải tổ chức một buổi Triển lãm Du thuyền của riêng Thái Lan. Đây là tiền đề góp phần quảng bá hình ảnh đất nước như một khu vực trung tâm của các bến du thuyền tại châu Á, đồng thời phát triển ngành công nghiệp du thuyền, một ngành hứa hẹn mang lại nguồn vốn đầu tư nước ngoài lý tưởng.
- Vietyacht có những dự định, chiến lược như thế nào để đón những cơ hội trên thị trường trong thời gian tới?
- Về chiến lược trong thời gian tới, chúng tôi sẽ đẩy mạnh và nâng cao tối đa chất lượng mảng dịch vụ sau bán hàng, bảo hành, bảo trì với chất lượng dịch vụ tốt nhất. Mở rộng mạng lưới phân phối đến các tỉnh, thành phố ven biển tiềm năng với hệ thống đại lý, chi nhánh, trung tâm bảo hành, văn phòng đại diện.
Song song đó, Vietyacht đẩy mạnh các kênh truyền thông theo hướng trải nghiệm và giới thiệu về phong cách sống mới để đưa du thuyền gần gũi hơn với khách hàng. Bên cạnh đó, trước tình hình đại dịch Covid 19 diễn ra phức tạp, các triển lãm trên thế giới không thể diễn ra như dự kiến, chúng tôi đang phối hợp với các đối tác và doanh nghiệp bạn trong ngành tăng cường tổ chức các triển lãm du thuyền trong nước với quy mô ngày một lớn hơn và chuyên nghiệp hơn.
Bảo Khánh