Eximbank ra đời từ năm 1989, là một trong những ngân hàng thương mại cổ phần đầu tiên tại Việt Nam. Trải qua hơn ba thập kỷ phát triển, ngân hàng đã xây dựng nền tảng tài chính, hệ thống chi nhánh và mạng lưới đối tác quốc tế ổn định.
Với lợi thế tập trung vào khu vực miền Nam, Eximbank thiết lập mạng lưới khách hàng trung thành gồm nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu lớn và các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME). Điều này giúp đơn vị có cơ hội mở rộng dịch vụ và tăng trưởng doanh thu bền vững.
Trước những thay đổi lớn của ngành tài chính - ngân hàng, Eximbank quyết định chuyển hội sở chính nhằm thể hiện sự đồng lòng của cổ đông trong việc mở rộng thị trường, đón tiềm năng mới, đặt nền móng cho những cải cách chiến lược trong quản trị và vận hành.
Đánh giá chiến lược này của Eximbank, TS. Lê Xuân Nghĩa - thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho biết, việc chuyển trụ sở ra Hà Nội giúp ngân hàng thuận tiện cho việc thu thập và xử lý thông tin hành chính, kinh tế vĩ mô, giao dịch nghiệp vụ thị trường mở, ngoại hối, những giao dịch cần xử lý thông tin và ra quyết định nhanh.

Một chi nhánh Eximbank. Ảnh: Eximbank
TS. Nguyễn Trí Hiếu, nhà sáng lập First Vietnamese American Bank tại Mỹ, cũng nhận định trụ sở chính là bộ mặt của ngân hàng. Do đó, chọn địa điểm đặt trụ sở là việc mang tính chiến lược quan trọng. Quyết định rời hội sở từ TP HCM ra Hà Nội của Eximbank cho thấy những tín hiệu tích cực từ ngân hàng. Bên cạnh đó, Hà Nội là trung tâm chính trị, kinh tế xã hội, đặc biệt là Ngân hàng Nhà nước đặt trụ sở tại đây. Điều này đem lại thuận lợi cho đơn vị trong trao đổi, làm việc với cơ quan quản lý.
Cùng với việc chuyển trụ sở, mở rộng thị trường, Eximbank tiến hành cải tổ từ cấp lãnh đạo đến cơ cấu quản trị. Sự tham gia và định hướng chiến lược từ các cổ đông lớn là yếu tố then chốt giúp kết quả kinh doanh của ngân hàng cải thiện rõ rệt.
Theo báo cáo tài chính quý 4/2024, Eximbank có thu nhập lãi thuần 2024 là 5.923 tỷ đồng, tăng 29% so với năm 2023. Lãi trước thuế đạt hơn 4.188 tỷ đồng, tăng 54%; lãi sau thuế chạm mức 3.326 tỷ đồng, tăng 54% so với năm trước.
Để đạt được điều này, ngân hàng đã triển khai các hoạt động cơ cấu danh mục cho vay theo hướng an toàn và hiệu quả, đặc biệt ở phân khúc doanh nghiệp vừa và nhỏ, cá nhân, các nhu cầu sản xuất kinh doanh, tiêu dùng.
Năm 2024, Eximbank tăng mạnh lãi suất ở các kỳ hạn và tiếp tục triển khai nhiều sản phẩm tiết kiệm khác như Chương trình Tri ân khách hàng, Tiết kiệm Eximbank VIP, Tiết kiệm kỳ hạn tự chọn, Sinh nhật trọn niềm vui cùng Eximbank; Tiết kiệm online...
Nhà băng cũng ra mắt dịch vụ Visa Direct, góp phần tái định nghĩa các giao dịch tài chính xuyên biên giới; đồng thời, chủ động đa dạng hóa nguồn thu từ hoạt động phi tín dụng như dịch vụ thanh toán, kinh doanh ngoại hối, vàng và xử lý nợ xấu hiệu quả.
Kết thúc 2024, tổng tài sản của Eximbank tăng trưởng 18,9%, đạt 239.532 tỷ đồng. Dư nợ cấp tín dụng tăng 19,72%. Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng 110,1% so với năm 2023, chạm mốc 1.080 tỷ đồng, lãi từ hoạt động kinh doanh ngoại hối tăng 38,7%, đạt 674 tỷ đồng.
Eximbank kiểm soát các chỉ số an toàn trong hoạt động theo quy định của Ngân hàng Nhà nước trước diễn biến phức tạp của nền kinh tế. Trong đó, tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn sử dụng để cho vay trung dài hạn duy trì quanh mức 24% - 25%, thấp hơn so với mức giới hạn của Ngân hàng Nhà nước là tối đa 30%.
Tỷ lệ LDR cũng duy trì quanh mức 82% - 84% so với quy định là 85%; tỷ lệ an toàn vốn CAR dao động quanh ngưỡng 12% - 13%, cao hơn mức quy định là 8%.

Eximbank sẽ chuyển Hội sở chính ra Hà Nội. Ảnh: Eximbank
Ngày 25/11/2024, Eximbank cũng nâng vốn điều lệ lên 18.688 tỷ đồng, phát hành cổ phiếu trả cổ tức từ lợi nhuận chưa phân phối lũy kế đến năm 2023. Phương án này đã được Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 thông qua.
Ngoài ra, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) nâng hạn mức tài trợ thương mại cho Eximbank từ 75 triệu USD lên 115 triệu USD nhờ hoạt động kinh doanh minh bạch và quản trị rủi ro hiệu quả. Sự kiện này giúp Eximbank tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt là SME.
"Tăng vốn điều lệ là tiền đề để tăng quy mô tổng tài sản của ngân hàng, tăng huy động và cho vay; đồng thời, làm tăng khả năng chịu rủi ro cho ngân hàng, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu CAR, theo quy định của ngân hàng nhà nước", TS. Lê Xuân Nghĩa nhận định.
Hiện, Eximbank đẩy mạnh các nỗ lực nhằm hiện thực hóa mục tiêu trở thành "ngân hàng thương mại hàng đầu tại Việt Nam, dẫn dắt bởi tính chuyên nghiệp và liêm chính". Đây vừa là tầm nhìn chiến lược, vừa là kỳ vọng lớn từ khách hàng và nhà đầu tư.
Để đạt được mục tiêu nói trên, Eximbank dự kiến tiếp tục tập trung vào tái cơ cấu quản trị, nâng cao năng lực cạnh tranh và cải thiện chất lượng dịch vụ, từ đó, xây dựng nền tảng vững chắc, ổn định.
"Chỉ cần Hội đồng quản trị có được sự thống nhất cao về tầm nhìn chiến lược, mục tiêu ổn định lâu dài, bền vững là Eximbank phát triển đột phá vì ngân hàng này có những lợi thế nhất định, đặc biệt trong lĩnh vực xuất nhập khẩu", PGS. TS. Nguyễn Hữu Huân, Khoa Ngân hàng, Đại học Kinh tế TP HCM chia sẻ.
Thiên Minh