Bà Nguyễn Thị Như Lý - Giám đốc điều hành thị trường của Opportunity Network (ON) chia sẻ cách giúp doanh nghiệp Việt tìm kiếm những đối tác có tiềm lực tài chính mạnh, thông qua nền tảng công nghệ. ON là công ty khởi nghiệp công nghệ trong lĩnh vực tài chính (Fintech) có trụ sở tại Anh, được định giá 180 triệu USD. Tập đoàn Boston Consulting Group là nhà đầu tư và đối tác chiến lược của công ty này.
- Theo bà, doanh nghiệp Việt làm thế nào để tiếp cận với đối tác tiềm năng, thiết lập những thương vụ giao dịch trên một triệu USD?
- Nền tảng Opportunity Network đã kết nối với 13.500 doanh nghiệp trên 128 quốc gia với hàng nghìn cơ hội kinh doanh có tổng giá trị đến 38 tỷ USD và tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Trong nền tảng này, các doanh nghiệp có thể đăng tải, tìm kiếm cơ hội kinh doanh với nhiều đối tác có uy tín là khách hàng, thành viên của các định chế đối tác của ON. Đó là Tổ chức Chủ tịch trẻ (YPO) - mạng quốc tế với sự tham gia của 25.000 CEO trẻ đến từ 130 quốc gia hay sàn giao dịch chứng khoán London hoặc các ngân hàng lớn ở châu Âu.
Thuật toán thông minh còn giúp định vị cơ hội cho khách hàng. Chẳng hạn, một doanh nghiệp thường đi tìm nhà cung ứng rượu vang, gọi vốn mở rộng sản xuất thì thuật toán sẽ đẩy cơ hội phù hợp cho họ.
Với nền tảng ON, doanh nghiệp Việt có thể tìm kiếm đối tác đáng tin cậy để mở rộng thị trường qua hoạt động thương mại quốc tế, mua bán, sáp nhập (M&A) và tối ưu hóa những giao thương toàn cầu có giá trị giao dịch từ một triệu USD.

Bà Nguyễn Thị Như Lý - Giám đốc điều hành thị trường của Opportunity Network.
- Bà đánh giá thế nào về khả năng tìm được đối tác ngoại có tiềm lực tài chính tốt của doanh nghiệp Việt?
- Chỉ cần các doanh nghiệp hoạt động năng động, hiệu quả, thể hiện rõ mục tiêu sẽ dễ dàng chinh phục đối tác. Công ty cũng có thể nhận viện trợ lớn từ ngân hàng hàng đầu nếu kế hoạch mở rộng thị trường phù hợp với định hướng của tổ chức đó. Cơ hội luôn có, vấn đề là bạn có nhanh nhạy nắm bắt hay không.
Với nền tảng số hóa ON nhằm kết nối các giao dịch giữa các công ty trên thế giới, tôi tin sẽ có nhiều doanh nghiệp Việt tìm được đối tác lớn, mở rộng kinh doanh ra toàn cầu.
Tuy nhiên, chúng tôi không hợp tác trực tiếp với doanh nghiệp mà thông qua ngân hàng, các định chế tài chính có uy tín. Đây là giải pháp công nghệ tài chính kết hợp với ngân hàng dựa trên nền tảng kỹ thuật số nhằm quản trị quan hệ khách hàng (CRM).
- Bà nhận xét thế nào về ý kiến cho rằng các công ty công nghệ khởi nghiệp trong lĩnh vực tài chính (Fintech) đang đe dọa thị phần và trở thành đối thủ của ngân hàng?
- Có 2 mô hình Fintech làm việc với các ngân hàng, đó là cạnh tranh trực tiếp và phối kết hợp.
Trước hết, lĩnh vực dịch vụ tài chính đang thay đổi đáng kể trong môi trường công nghệ kỹ thuật số hiện đại. Khi việc kết nối mọi người qua công nghệ diễn ra nhanh chóng và kỳ vọng của khách hàng ngày càng nhiều, các ngân hàng buộc phải thay đổi để thích nghi và tận dụng lợi thế mà công nghệ kỹ thuật số mang lại.
Vì vậy, việc Fintech kết hợp với ngân hàng sẽ là xu hướng tất yếu. Dòng vốn đầu tư đổ vào lĩnh vực này ngày càng gia tăng và hiện chiếm tới 44% tổng số vốn dành cho Fintech.
Fintech không làm gián đoạn thị trường theo cách nhìn truyền thống mà nó đang hỗ trợ các định chế tài chính làm tốt hơn, có khả năng cạnh tranh với những "gã khổng lồ" đang nắm trong tay dữ liệu về thói quen, nhu cầu của hàng tỷ khách hàng như Amazon, Google, Facebook... Fintech đang hỗ trợ ngân hàng duy trì mối quan hệ về chiều sâu và chuẩn bị cho những công nghệ đột phá trong tương lai.
Đối với các doanh nghiệp, đây là cơ hội để tận dụng những lợi thế sẵn có từ 2 bên, vừa tìm kiếm đối tác uy tín lại vừa nâng cao trải nghiệm, giúp hoạt động kinh doanh trở nên nhanh chóng, dễ dàng hơn.
- Ngân hàng Việt Nam sẽ được hỗ trợ gì khi tham gia mạng lưới này?
- Mô hình này do ngân hàng và Opportunity Network hợp tác đầu tư để đưa nền tảng vào phục vụ khách hàng, trong đó ngân hàng chú trọng sàng lọc những doanh nghiệp tối ưu và mở cơ hội kinh doanh cho họ. Khi mời tham gia vào hệ thống, nhân viên ngân hàng dễ dàng tìm hiểu thói quen, nhu cầu của khách hàng. Lúc này, Opportunity Network sẽ đào tạo để hỗ trợ doanh nghiệp trải nghiệm công cụ dễ dàng, tối đa.
Opportunity Network sẽ đào tạo cho cán bộ quan hệ khách hàng từ trụ sở chính đến các chi nhánh. Cán bộ ngân hàng sẽ được hỗ trợ về cách nhìn, phân khúc và chọn lọc khách hàng đồng thời sử dụng công cụ kỹ thuật số thông minh giúp họ đẩy những cơ hội đến với doanh nghiệp tham gia, hướng cán bộ nói chuyện với doanh nghiệp và hiểu doanh nghiệp dưới giác độ CEO về chiến lược phát triển thị trường.
Ngoài sự hỗ trợ trực tiếp của ngân hàng đối tác, doanh nghiệp sẽ được đội ngũ nhân sự giàu kinh nghiệm, khả năng giao tiếp ngôn ngữ bản địa tại trung tâm khách hàng từ châu Âu hỗ trợ, tư vấn. Thông tin chi tiết từ giai đoạn bắt đầu tham gia nền tảng, tìm kiếm cơ hội đến hành trình giao tiếp với đối tác tiềm năng của khách hàng... sẽ được hỗ trợ kịp thời.
- Fintech châu Á nói chung, Việt Nam nói riêng diễn biến thế nào trong năm 2017?
- Fintech là từ khóa nóng đối với cả khách hàng, định chế tài chính và tất cả đối tượng tham gia vào hệ sinh thái này trên thị trường. Dòng vốn đầu tư vào Fintech tăng mạnh, trong đó, giai đoạn 2010-2016, lượng vốn đổ về khu vực châu Á tăng gần 100 lần, từ con số hơn 100 triệu USD năm 2010 lên 9,6 tỷ USD trong năm 2016.
Phần lớn nguồn vốn đó đổ vào thị trường có hệ sinh thái mạnh như Trung Quốc, Ấn Độ, Australia, Singapore...
Ở Việt Nam, thị trường Fintech mới ở giai đoạn đầu với phần lớn dịch vụ tập trung vào mảng thanh toán và hướng tới bán lẻ.
Với tiềm năng của một nền kinh tế năng động, dân số trẻ và hướng tới trải nghiệm số ngày càng gia tăng, theo tôi, Việt Nam cần một chính sách ưu tiên và cởi mở để phát triển Fintech từ cơ chế quản lý tới chính sách phát triển.
Việc phát triển hệ sinh thái Fintech đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ giữa các định chế tài chính, công ty Fintech, quỹ đầu tư mạo hiểm, cơ quan nghiên cứu... để đưa xu hướng công nghệ lớn của thế giới vào Việt Nam.
Huệ Chi