Nguyễn Hoàng Việt (22 tuổi, Hải Phòng) nộp đơn xin việc sau khi hoàn thành 4/5 chứng chỉ khóa đào tạo Machine Learning của Tổ chức giáo dục trực tuyến FUNiX và tìm được công việc phù hợp ngay từ lần phỏng vấn đầu tiên. Hiện anh công tác ở vị trí Machine learning & Data Engineer cho một công ty về lĩnh vực Fintech.
Chuyên ngành ban đầu của Hoàng Việt là về điện tử và tự động, không phải các nhóm ngành liên quan đến toán hay công nghệ thông tin. Tuy nhiên, anh cho rằng giữa các chuyên ngành luôn có sự giao thoa về kiến thức. Cuối năm hai đại học, Việt bắt đầu được làm quen với lập trình qua môn kỹ thuật lập trình, môn xử lý ảnh và bắt đầu bén duyên với CNTT từ đó.
Chia sẻ thêm về ngành, chàng trai Hải Phòng tự nhận là người thích nhiếp ảnh và đặc biệt có hứng thú với việc chụp ảnh cũng như chỉnh sửa ảnh để có những bức ảnh đẹp. Đến khi tiếp xúc với CNTT và các thư viện về đồ họa, UI, xử lý ảnh... anh nhận ra việc chụp và chỉnh sửa ảnh không chỉ dừng lại ở làm đẹp mà còn nhiều điều lý thú khác có thể làm với những bức ảnh qua các bài học, video trên youtube về phát hiện vật thể trong ảnh, đọc chữ từ hình ảnh, dự đoán hành động của người qua tư thế trong ảnh, xử lý ảnh cho robot tự hành...
"Từ đó tôi bắt đầu có niềm thích thú với công nghệ, đặc biệt là về computer vision nên sau thời gian mày mò, tôi tìm thấy khóa học Machine Learning của FUNiX do CohostAI tài trợ 100%. Chương trình phù hợp với những ai muốn chủ động học với một lộ trình rõ ràng nên đã quyết định thử sức ngay", anh nói.
Tại FUNiX, Việt chủ động học vào buổi tối hoặc mỗi khi rảnh để tránh trùng với giờ học trên lớp. Sau thời gian ngắn trải nghiệm, anh chia sẻ dù học online, các bài lab, assignment và bài thi của tổ chức vẫn đảm bảo về kiến thức và độ khó. Với tất cả kiến thức học được từ chương trình trực tuyến, Việt khẳng định đều được áp dụng trong công việc, từ lập trình đến kiến thức về toán, dữ liệu, học máy, phát triển sản phẩm... "Tôi từ một người không mạnh về code đã trở nên tự tin hơn và nắm chắc nhiều kỹ năng liên quan đến lập trình", chàng trai 22 tuổi cho biết.
Cũng là học viên của FUNiX, Hoàng Tiến Dương (sinh năm 1995) chọn học hai môn ở Chứng chỉ Blockchain và hiện làm marketing tại Powergate Software với mức lương nghìn đôla.
Tiến Dương là cựu sinh viên của Học viện Ngân hàng, chuyên ngành tài chính ngân hàng. Ra trường anh chọn làm marketing. Cách đây vài năm, khi thị trường blockchain xuất hiện tại Việt Nam, anh đã tìm hiểu và muốn nâng cao kiến thức về lĩnh vực này nên đã đăng ký khóa học về blockchain của FUNiX.
Theo Tiến Dương, chương trình học của FUNiX đã được tổng hợp thành giáo trình chi tiết, liền mạch và có lộ trình rõ ràng để học viên dễ học và hiểu chuyên sâu. Mặt khác, lợi thế khi học ở đây là có đội ngũ mentor là các chuyên gia đầu ngành nên có thể tìm sự trợ giúp bất cứ khi nào. Chương trình học cũng đề cao tính tương tác và yêu cầu học viên đặt ra câu hỏi trước khi hoàn thành bài học. Điều này được anh đánh giá cao và cho rằng rất hiệu quả với học viên.
Chia sẻ thêm về mối liên hệ giữa marketing và blockchain, Tiến Dương cho biết, anh đang làm vị trí marketing cho một công ty công nghệ, trong đó có blockchain. Sau khi tham gia khóa học blockchain, anh đã tìm ra nhiều hướng triển khai để đưa được sản phẩm - dự án công nghệ ra thị trường, cũng như tiếp tục phát triển khả năng của mình trong lĩnh vực marketing công nghệ.
"Kiến thức tôi học được trong khóa này rất nền tảng, gần như cho tôi hiểu, áp dụng theo cách tôi đọc và hiểu dự án, khai thác thế mạnh của dự án mình có so với đối thủ khác", Tiến Dương nói. "Trên thế giới, blockchain đã phát triển khá xa, nhưng Việt Nam cũng có thế mạnh riêng vì sẽ áp dụng trong nhiều ứng dụng của cuộc sống, nên đây sẽ là nơi để các bạn trẻ có thể tham gia và đưa sáng tạo của mình ra thế giới, thành quả khi các bạn nhận được rất lớn.
Việt và Dương là hai bạn trẻ trong số nhiều gen Z chủ động tìm kiếm cơ hội việc làm ở lĩnh vực được cho là khát nhân sự thời gian qua và hiện tại họ đã gặt hái được những thành công nhất định.
Theo báo cáo thị trường nhân lực công nghệ thông tin Việt Nam năm 2021 của TopDev, 5 năm trở lại đây, nhu cầu nhân lực ngành này tại Việt Nam không ngừng tăng cao. Theo đó, cả nước cần 450.000 kỹ sư công nghệ, tuy nhiên số lập trình viên hiện nay đáp ứng khoảng hơn 90% (430.000 người). Điều đó đồng nghĩa có khoảng 20.000 vị trí sẽ không được lấp đầy trong tương lai gần. Sự thiếu hụt này xuất phát từ chênh lệch giữa trình độ của lập trình viên và các yêu cầu của doanh nghiệp. Hiện chỉ có khoảng 16.500 sinh viên (chiếm gần 30%) trong tổng số 55.000 sinh viên chuyên ngành CNTT đáp ứng những kỹ năng và yêu cầu của doanh nghiệp.
Trong đó, sự sôi động trong tuyển dụng các lĩnh vực như Blockchain và AI, Data Science bắt nguồn từ nhu cầu đổi mới công nghệ của nhiều doanh nghiệp. Theo công ty nghiên cứu và phân tích thị trường toàn cầu IDC FutureScape, các công nghệ nổi bật như IoT, Machine Learning và Big Data sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp hiện nay phải tự cải tiến. Data Science (khoa học dữ liệu) và Big Data (dữ liệu lớn) cũng có số lượng đăng tuyển tăng mạnh. Năm 2019, Data Science có số lượng đăng tuyển tăng 121% và lượng ứng tuyển tăng đột biến đến 137% so với năm 2017. Con số này cho Big Data lần lượt là 135% và 56%. Khoa học dữ liệu thậm chí từng được tạp chí Harvard Business Review gọi với một cái tên mỹ miều là "nghề nghiệp quyến rũ nhất thế kỷ 21"/
Về thu nhập, mặt bằng chung, nhóm kỹ sư phát triển phần mềm liên quan đến blockchain có thể nhận mức lương trung bình cao nhất, lên đến 2.241 USD một tháng, nhóm phát triển phần mềm liên quan đến AI có mức lương 1.844 USD, đứng thứ ba là Full Stack với mức lương 1.642 USD, theo "Báo cáo Thị trường nhân lực ngành công nghệ thông tin năm 2019" của VietnamWorks.
Theo anh Nguyễn Hải Nam, Giám đốc Trung tâm Công nghệ chuyên sâu xSeries FUNiX, tại Việt Nam, mặc dù nhu cầu phát triển ngành công nghệ 4.0 đang không ngừng tăng cao, nguồn nhân lực trong các ngành liên quan đến Data, AI, Blockchain để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của các công ty lại vô cùng khan hiếm. Là đơn vị đào tạo tập trung các công nghệ mới, hiện tại xSeries đang hợp tác cùng hơn 50 doanh nghiệp để cung cấp nguồn nhân sự cho các công ty này. Đặc biệt, học viên hoàn thành khóa học của FUNiX và nhận offer từ vị trí Fresher đều có thu nhập từ 10 triệu đồng trở lên; từ mức Junior, mức lương sẽ khoảng 16 triệu trở lên.
Nhiều doanh nghiệp hợp tác đã đồng hành cùng FUNiX trao những suất học bổng giá trị như học bổng AI Connect 200 triệu từ Kalapa, học bổng trí tuệ nhân tạo 200 triệu từ Cohost.AI, học bổng blockchain 360 triệu từ Chanois và Sotatek, học bổng AI từ Trung tâm Trí tuệ nhân tạo QAI FPT Software, trị giá lên tới 5 tỷ đồng, học bổng blockchain cùng CTO Kardiachain Huy Nguyễn... Các đơn vị trao tặng 100% học phí các khóa học công nghệ cao, thể hiện tinh thần sẵn sàng hợp tác cùng FUNiX đào tạo nguồn nhân lực chất lượng trong lĩnh vực này.
Anh Nguyễn Hải Nam cho biết thêm, các khóa học của xSeries tập trung đào tạo các công nghệ như Machine Learning, Data science, Data analyst, Automotive, IOT, Data engineer, Blockchain.Chương trình của FUNiX có học liệu hoàn toàn online từ các nguồn MOOC lớn trên thế giới về công nghệ thông tin như Udemy Business, Coursera, Edx... Từ việc học các nguồn MOOC online, học viên sẽ chủ động được thời gian học tập. Bên cạnh đó là sự hỗ trợ, đồng hành của hannah và mentor trong suốt quá trình học tập để học viên sớm hoàn thành khóa học và không bị mất động lực trong quá trình theo học.
Học viên học tập theo hình thức học thực hành, làm các project trong từng phần môn học nhằm đưa tới việc các bạn sẽ thích ứng với phương thức làm việc thực tế tại các công ty. "Đặc biệt, FUNiX cam kết 100% đầu ra khi học viên hoàn thành xong các khóa học của xSeries", anh Nguyễn Hải Nam khẳng định.
Mới đây Chính phủ thông qua đề án "Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030", nhằm thúc đẩy thực hiện chuyển đổi số. Trong đó, dự án đề ra chỉ tiêu đào tạo ít nhất 1.000 chuyên gia làm lực lượng nòng cốt dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia.
Nguyễn Phượng (Ảnh: Nhân vật cung cấp)