Khối ngoại có phiên thứ 15 liên tiếp bán ròng, tuy nhiên lực xả hàng hôm 19/12 giảm so với trước, ghi nhận hơn 450 tỷ đồng. Áp lực bán ròng một phần đến từ xu hướng rút vốn đang diễn ra trên một số quỹ ETF lớn. Từ đầu tháng đến nay, các mã thường xuyên vào top bán ròng có HPG, SSI, DGC, VCB, VHM, STB, VNM... Phần lớn trong số này đều là những cổ phiếu chính họ đã gom hàng rất mạnh trong giai đoạn 2020-2021.
Ở chiều ngược lại, nguồn cung của khối ngoại được trong nước hấp thụ tốt, nhất là nhà đầu tư cá nhân. Từ 30/11 đến cuối tuần rồi, nhóm này mua ròng gần 7.300 tỷ đồng, trở thành bên tiêu thụ chính cho lượng bán ra của khối ngoại. Việc cá nhân đổ xô mua vào cổ phiếu cho thấy dòng tiền đang tìm đến chứng khoán trong giai đoạn cuối năm.
Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nêu quan điểm, những phiên giảm điểm mạnh sẽ là cơ hội tốt để giải ngân từng phần đối với những cổ phiếu vẫn đang trong xu hướng tăng trung hạn.
Phân tích từ các chuyên gia SGI Capital, nền kinh tế Việt Nam đang có những điều kiện nội tại tốt để hồi phục trong năm 2024 gồm mặt bằng lãi suất thấp, tỷ giá ổn định, xuất nhập khẩu bắt đầu tăng trưởng trở lại và đầu tư công vẫn được đẩy mạnh. Triển vọng phục hồi tăng trưởng của doanh nghiệp cũng dần rõ ràng hơn khi lãi suất đủ thấp sẽ bắt đầu kích thích các hoạt động kinh tế và làm tăng vòng quay tiền.
Thời gian gần đây, các tin tức tích cực về mặt vĩ mô cũng hỗ trợ nhà đầu tư tích lũy cổ phiếu cho năm mới. Trong đó, nhiều người chú ý tới việc tổ chức đánh giá xếp hạng toàn cầu Fitch Ratings nâng triển vọng kinh tế Việt Nam trong trung hạn; liên kết kinh tế Việt Nam và Trung Quốc có thêm nhiều triển vọng sau sự kiện ngoại giao; Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) ngỏ ý giảm lãi suất trong năm sau; các chính sách tài khóa, đầu tư công, hỗ trợ tín dụng tiếp tục được thúc đẩy mạnh cuối năm. Lạm phát ổn định và mặt bằng lãi suất thấp đủ lâu có thể sẽ kích thích nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng vào mùa cao điểm cuối năm.
Nhận định riêng ngành bán lẻ, chứng khoán VNDirect đánh giá, thời điểm ảm đạm đã qua trong nửa đầu năm nay, đang hướng tới giai đoạn phục hồi với nhiều dấu hiệu tích cực. Sau khi chạm đáy từ giai đoạn tiêu thụ yếu, VNDirect cho rằng các công ty phân phối và bán lẻ điện tử tiêu dùng sẽ có mức tăng trưởng lợi nhuận ròng mạnh nhất kể từ quý IV trở đi nhờ triển vọng phục hồi vẫn tương đối lạc quan. Lạm phát ổn định và mặt bằng lãi suất thấp đủ lâu có thể sẽ kích thích nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng vào mùa cao điểm cuối năm.
Số liệu từ tổng cục thống kê cho thấy, từ tháng 11, hoạt động thương mại dịch vụ diễn ra khá sôi động để chuẩn bị phục vụ cho các ngày lễ lớn cuối năm và chào mừng năm mới 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước.
Theo báo cáo của VietCap, ngành bán lẻ tiêu dùng dự kiến tiếp tục tăng trưởng mạnh khi bước sang năm 2024. Những dấu hiệu tích cực trên góp phần giúp nhiều doanh nghiệp tiêu dùng bán lẻ thu hút đầu tư. Điển hình với MSN, bất chấp những biến động, tập đoàn này vừa nhận thêm 50 triệu USD từ Bain Capital, nâng mức đầu tư lên 250 triệu USD bằng vốn cổ phần.
Phía Masan cho biết, dòng tiền tốt cùng với kết quả kinh doanh liên tục ghi nhận tín hiệu tích cực đã giúp Tập đoàn Masan cải thiện mạnh mẽ khả năng thanh khoản trong thời gian vừa qua. Đến hiện tại, đơn vị này đã gần như hoàn thành đủ các nghĩa vụ thanh toán trái phiếu năm nay và tổng mức trái phiếu đáo hạn trong năm 2024 chỉ rơi vào mức khoảng 6.000 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với lượng tiền mặt và tương đương tiền nắm giữ khoảng 14.000 tỷ đồng.
Nhờ những điểm sáng cuối năm, các chuyên gia VNDirect còn cho rằng đây là thời điểm tốt để các nhà đầu tư trung và dài hạn bắt đầu tích lũy cổ phiếu cho năm sau. Mặc dù rủi ro ngắn hạn của thị trường còn hiện hữu, mức chiết khấu định giá hiện tại đang tương đương đáy trung hạn thời điểm tháng 11/2022 và đáy Covid.
Thái Anh