Từ nửa cuối 2021, metaverse trở thành một trong những trào lưu của thế giới với sự tham gia của nhiều công ty lớn trải dài trong các lĩnh vực từ công nghệ đến giải trí, thời trang. Hầu hết những công ty này tin rằng VR (thực tế ảo) và AR (thực tế tăng cường) sẽ là một phần quan trọng để con người tiến vào vũ trụ ảo.
Meta, công ty đi đầu trong xu hướng metaverse, đang đầu tư mạnh vào Oculus VR và chiếm gần 75% thị trường thiết bị đeo AR và VR, theo IDC. Hàng loạt gã khổng lồ công nghệ khác như Microsoft, Apple, ByteDance, Tencent cũng không giấu tham vọng của mình trong lĩnh vực mới.
Xu hướng này trở nên rõ ràng hơn tại triển lãm điện tử tiêu dùng CES 2022 diễn ra ở Mỹ đầu tháng này. Trong đó, AR và VR là chủ đề nổi bật nhất với hàng loạt giải pháp liên quan đến thực tế ảo và thực tế tăng cường.
Cũng tại triển lãm, Microsoft và Qualcomm tuyên bố thoả thuận sản xuất chip AR thế hệ mới để phát triển kính AR dựa trên Snapdragon với trọng lượng nhẹ và tiết kiệm pin hơn. Trước đó, chip Snapdragon 850 cũng được dùng trên kính HoloLens 2 của Microsoft từ 2019. Snapdragon XR2 cũng tích hợp trên Oculus 2. Microsoft từng vài lần đặt hàng chip riêng với Qualcomm, như bộ vi xử lý SQ1 và SQ2 tùy chỉnh cho Surface Pro X.
Gã khổng lồ công nghệ Nhật Sony hé lộ về máy chơi game PlayStation VR thế hệ hai tại CES 2022 dù chưa nêu chi tiết về giá và ngày ra mắt. Snap - công ty mẹ của ứng dụng Snapchat - trong năm 2021 cho ra kính Spectacles AR đầu tiên. Các gã khổng lồ công nghệ của Trung Quốc như ByteDance, Tencent cũng đầu tư lớn vào VR, AR. Tencent mới mua lại Black Shark - công ty chuyên sản xuất phần cứng thực tế ảo - để chuẩn bị cho kỷ nguyên kết nối mới.
Giới chuyên gia nhận định làn sóng metaverse sẽ mở ra cơ hội mới cho ngành công nghệ sản xuất chip. Hiệu suất phần cứng là một trong những yếu tố quan trọng nhất với trải nghiệm người dùng trong vũ trụ ảo. Chip là thành phần trung tâm cho phép phần cứng thiết bị có thể hoạt động.
Qualcomm đang gần như độc quyền trên thị trường chip cho thiết bị AR và VR. Nhưng với quy mô tăng trưởng hiện nay, nhiều nhà sản xuất khác sẽ sớm tham gia vào lĩnh vực mới này. Theo CNBC, dù có nhiều cơ hội, ngành công nghiệp chip VR, AR có thể sẽ không quá cạnh tranh vì có nhiều yêu cầu phức tạp mà không phải công ty chip nào cũng giải quyết được.
Về cơ bản, kiến trúc của chip VR tương tự SoC trên các thiết bị thông minh. Nó bao gồm một bộ xử lý để chạy hệ điều hành và điều khiển hoạt động phần cứng tổng thể. Trong đó, chi tiết quan trọng nhất quyết định trải nghiệm người dùng VR là GPU chịu trách nhiệm kết xuất và hiển thị. Hiện ứng dụng chính của VR là trong lĩnh vực game, nhưng chất lượng hiển thị hình ảnh chỉ ở mức đủ dùng. Nếu muốn tiến vào metaverse, nhà sản xuất phải cải thiện rất nhiều về công nghệ hiển thị.
Một thách thức khác là hiệu suất năng lượng trong chip VR. Không như GPU dành cho máy tính để bàn, GPU trong chip VR được cung cấp năng lượng bằng pin. Do đó, hiệu quả năng lượng sẽ xác định tuổi thọ pin, cũng như cần đảm bảo chúng không tản nhiệt vì chúng được đeo trên mặt người dùng.
Nhiều tương tác trong thiết bị VR cũng cần một bộ xử lý AI thông minh để nhận diện chuyển động của khuôn mặt, cử chỉ, di chuyển... một cách chính xác và tự nhiên. Khi độ chính xác càng cao, sức mạnh tính toán cũng cần tăng. AI trong VR thậm chí còn quan trọng hơn trong thiết bị di động truyền thống.
Dù nhu cầu của thị trường về chip VR đã tương đối rõ ràng, những rào cản của công nghệ cũng đặt ra bài toán không nhỏ cho nhà sản xuất chip. Theo CNBC, các công ty công nghệ lớn, đặc biệt là nhà sản xuất chip, sẽ được hưởng lợi khi metaverse thành hiện thực. Tuy nhiên quả ngọt sẽ không chia đều cho tất cả vì chỉ một lượng nhỏ các công ty chip hiện nay có thể giải quyết những thách thức của vi xử lý VR, AR.
Khương Nha