Thế giới đã trải qua ba cuộc cách mạng lớn là cách mạng công nghiệp cơ khí chạy bằng hơi nước từ năm 1784, cuộc cách mạng sử dụng điện năng để sản xuất quy mô lớn từ năm 1870 và cuộc cách mạng tự động hóa sản xuất nhờ ứng dụng công nghệ thông tin và điện tử từ năm 1969. Giờ đây, cuộc cách mạng công nghiệp thứ tư đang được tiếp nối, được hình thành trên nền tảng của cuộc cách mạng số, với những công nghệ mới như in 3D, robot, trí tuệ nhân tạo , IoT, S.M.A.C, công nghệ nano, sinh học, vật liệu mới...
Tại Diễn đàn cấp cao Vietnam ICT Summit 2016, diễn ra ngày 24/9 ở Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: "Nhân loại đang đứng trước cuộc cách mạng được dự báo làm thay đổi cơ bản cách thức chúng ta sống, làm việc và tương tác với nhau. Hàng loạt công nghệ mới mang tính đột phá, xoá đi những ranh giới truyền thống của không gian vật lý, không gian số, không gian sinh học, tạo tiền đề cho cuộc cách mạng công nghiệp thứ tư".
Thủ tướng cho rằng, cách mạng công nghiệp thứ tư mang lại đầy đủ những cơ hội và thách thức cho Việt Nam, làm biến đổi sâu sắc các hệ thống kết cấu hạ tầng xã hội và nền kinh tế toàn cầu, tác động mọi mặt đời sống của con người.
"Thời gian không chờ đợi, cơ hội không tự đến. Phải hành động nhanh hơn, quyết liệt hơn trong thời đại số, nếu không sẽ đánh mất thời cơ, vận hội của quốc gia, dân tộc". Thủ tướng khẳng định.
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) cũng chia sẻ: "Trong cuộc cách mạng số, mọi tổ chức, doanh nghiệp sẽ trở thành tổ chức số, doanh nghiệp số; mọi lãnh đạo trở thành lãnh đạo số, ngân sách trở thành ngân sách số, mỗi công dân đều có thể trở thành một doanh nghiệp số. Có như vậy, Việt Nam - một nước đi sau - mới có thể bắt kịp chuyến tàu siêu tốc của cuộc cách mạng số". Đồng quan điểm, ông Vũ Minh Trí, CEO Microsoft Việt Nam, nhận định những đột phá công nghệ theo xu hướng của cuộc cách mạng công nghiệp thứ tư, cụ thể là điện toán đám mây, di động, IoT và dữ liệu lớn sẽ giúp mang lại những tiềm năng lớn cho từng cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức, rộng lớn hơn là cả xã hội. Những cơ hội này, nếu nắm bắt kịp thời, sẽ giúp nền kinh tế tăng trưởng bền vững.
Để không bỏ lỡ cơ hội trong cuộc cách mạng số, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng Việt Nam cần đẩy mạnh ứng dụng CNTT, công nghệ cao trong mọi lĩnh vực kinh tế xã hội. Thứ hai là ưu tiên đổi mới sáng tạo khoa học công nghệ, phát triển ngành CNTT Việt Nam thành Trung tâm công nghiệp phần mềm, ứng dụng di động và Trung tâm dịch vụ an toàn bảo mật thông tin của thế giới.
Thứ ba, thúc đẩy khởi nghiệp dựa trên đổi mới sáng tạo, đưa Việt Nam trở thành quốc gia khởi nghiệp, khuyến khích ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển doanh nghiệp tư nhân trở thành một động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế. Thứ tư là phát triển nguồn nhân lực số, chú trọng đào tạo nhân lực CNTT. Thứ năm là xây dựng và phát triển các thành phố thông minh, giải quyết bức xúc xã hội về giao thông, y tế, an toàn thực phẩm, an ninh trật tự, môi trường…
Cuối cùng, Thủ tướng cho rằng các cấp, ngành, địa phương, doanh nghiệp và toàn xã hội cần nhận thức về cuộc cách mạng số, đẩy nhanh ứng dụng CNTT để nâng cao năng lực và hiệu quả trong việc quản trị hoạt động của mình. Đây phải được coi là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu và là trách nhiệm cao nhất của người đứng đầu trong các cơ quan tổ chức của Nhà nước, từ Trung ương tới địa phương.
Tại sự kiện, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn khẳng định việc ứng dụng CNTT-TT đã tạo ra việc làm cho hàng triệu doanh nghiệp và người lao động khắp thế giới. Đồng thời, với xu hướng IoT, trí tuệ nhân tạo, thiết bị di động đã làm thay đổi, thông minh hóa nhiều lĩnh vực như nông nghiệp, giao thông, y tế cho đến đô thị hay quốc gia thông minh.
Diễn đàn Vietnam ICT Summit 2016 có sự góp mặt của hơn 500 đại biểu. Diễn đàn tập trung thảo luận theo bốn tọa đàm gồm Cách mạng số và Quốc gia khởi nghiệp, Cách mạng số và Phát triển hạ tầng CNTT, Phát triển nhân lực trong cách mạng công nghiệp thứ tư, và IoT và Smart City.
Trong số này, xu hướng IoT và các giải pháp đô thị thông minh rất được quan tâm. Theo ông Lữ Thành Long, Phó chủ tịch Hiệp hội VINASA kiêm Chủ tịch MISA, một thành phố thông minh cần có 9 phạm trù là Năng lượng thông minh, Di chuyển thông minh, Tòa nhà thông minh, Công nghệ thông minh, Hạ tầng thông minh, Chính phủ và giáo dục thông minh, Y tế thông minh, An ninh thông minh và Công dân thông minh. Để thực hiện được điều đó đòi hỏi không chỉ nguồn lực và rất nhiều ngân sách trong nhiều năm, nên chính quyền cần cơ chế huy động vốn theo hình thức công tư hợp tác để đẩy nhanh tiến trình xây dựng. Phó Chủ tịch UBND TP HCM chia sẻ kế hoạch xây dựng, phát triển thành phố thông minh, phục vụ người dân tốt hơn. UBND Thành phố Hà Nội cũng cho biết kế hoạch xây dựng thành phố thông minh song song chính quyền điện tử với những trọng tâm và ưu tiên phát triển cho từng giai đoạn.