Ngày 1/8 vừa qua, Việt Nam là nước thứ 77 ký hiệp định thương mại tự do (FTA) với Liên minh châu Âu (EU). Hiệp định EVFTA mở ra cơ hội hợp tác thương mại cho doanh nghiệp hai bên, đặc biệt là các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp.
Theo Bộ Công Thương, sau khi EVFTA có hiệu lực, nhiều mặt hàng của Việt Nam được giảm thuế về 0% như: gạo tấm, các sản phẩm từ hạt. Đối với mặt hàng rau củ quả, thủy sản, EU cũng cam kết xóa bỏ 50% số dòng thuế, 50% dòng thuế còn lại sẽ được xoá bỏ trong lộ trình 5 - 7 năm. Theo dự báo, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của một số ngành nông sản sẽ tăng đáng kể cho tới năm 2025.
Một cơ hội khác mà EVFTA mang lại cho ngành nông nghiệp Việt Nam là việc thu hút các dự án đầu tư trong ngành nông nghiệp, giúp chuyển giao công nghệ, cách thức tổ chức sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, từ đó tăng sản lượng, chất lượng nông sản, giúp nông sản Việt dễ dàng tiếp cận tiêu chuẩn khắt khe của thị trường châu Âu.
Tuy nhiên, EVFTA đặt ra không ít thách thức, nhất là các yêu cầu về phi thuế quan, yêu cầu về an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc với nông sản. Trong khi đó, các đơn vị sản xuất nông nghiệp Việt Nam chủ yếu quy mô nhỏ lẻ; hạn chế về ứng dụng công nghệ cao trong trồng trọt, chăn nuôi, bảo quản và chế biến...
Tiêu chuẩn khắt khe của EU với thực phẩm
Tiêu chuẩn EU với thực phẩm và đồ uống nổi tiếng khắt khe trên thế giới, trọng tâm là chính sách an toàn thực phẩm, đảm bảo độ an toàn cao từ trang trại đến bàn ăn. Trong đó, các doanh nghiệp, trang trại và nhà hàng, bao gồm những đơn vị nhập khẩu thực phẩm vào thị trường này cần tuân theo luật pháp về vệ sinh thực phẩm của EU.
Đơn cử, đơn vị chăn nuôi cần thực hiện các biện pháp kiểm soát vệ sinh với thú nuôi, động vật trong trang trại và động vật hoang dã; thực hiện các biện pháp theo dõi, kiểm soát dịch bệnh. Với thực vật cần phát hiện, loại bỏ sâu bệnh gây hại. Bên cạnh đó, thực phẩm và thức ăn gia súc cũng cần tránh chất gây ô nhiễm và dư lượng hóa chất.
Nông sản và đồ uống xuất khẩu từ EU phải đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn và chất lượng, tương tự những mặt hàng sản xuất cho thị trường nội địa châu Âu. Điều này nghĩa là, thực phẩm và đồ uống sản xuất từ người nông dân ở bất kỳ nơi nào trong EU đều có đặc điểm chính xác như nhau, dù sản phẩm được tiêu thụ ở Paris (Pháp), Warsaw (Ba Lan), Hà Nội hay TP HCM (Việt Nam)
Hệ thống vệ sinh và kiểm dịch thực vật (SPS) của EU với các sản phẩm nông lương nhằm giảm và loại bỏ rủi ro đe dọa sức khỏe động, thực vật và sức khỏe cộng đồng. Các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt áp dụng trong toàn bộ chuỗi sản xuất thực phẩm, cho phép xác định, xử lý nhanh chóng bất kỳ mối đe dọa nào từ thực phẩm.
Liên minh châu Âu cũng đặt ra tiêu chuẩn riêng với các sản phẩm hữu cơ, đạt mức bảo vệ cao cho người tiêu dùng, động vật trong trang trại và môi trường. Chất lượng sản phẩm hữu cơ EU được chứng nhận an toàn, cấm sử dụng các thành phần biến đổi gen (GMO). Thông tin về việc sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón và thuốc kháng sinh cũng được giới hạn nghiêm ngặt.
Những thông tin chuyên sâu về tiêu chuẩn an toàn thực phẩm EU, hệ thống vệ sinh và kiểm dịch thực phẩm (SPS) của EU với các sản phẩm nông lương; hệ thống đảm bảo các sản phẩm EU an toàn; những phạm vi trong ngành thực phẩm và đồ uống có thể hưởng lợi từ EVFTA... sẽ được đề cập trong hội thảo trực tuyến về tiêu chuẩn sản xuất EU với các sản phẩm nông lương diễn ra ngày 8-9/10.
Sự kiện do ông John Clarke - Giám đốc phụ trách quan hệ quốc tế tại Ban tổng giám đốc về Nông nghiệp và phát triển nông thôn của Liên minh châu Âu tổ chức. Hội thảo cũng có sự tham dự của các chuyên gia châu Âu về chính sách an toàn và chất lượng thực phẩm, đại diện cơ quan chức năng, tổ chức trong phân khúc thực phẩm EU, các nhà xuất khẩu, nhập khẩu và bán lẻ địa phương...
Độc giả quan tâm đến hội thảo đăng ký tại đây.
Hoài Phong