Sức hút từ hạ tầng
Theo anh Nguyễn Văn Nam, một nhà đầu tư tại Hà Nội, qua thời sốt đất Hạ Long, Vân Đồn, Uông Bí - thành phố cửa ngõ của tỉnh Quảng Ninh đang được giới đầu tư để mắt đến. Việc sở hữu vị trí cửa ngõ chiến lược của tỉnh Quảng Ninh và là trung tâm trục tam giác tăng trưởng phía Bắc: Quảng Ninh - Hải Phòng - Hà Nội là nhân tố quan trọng thúc đẩy bất động sản Uông Bí bứt phá.
Về hạ tầng giao thông, Uông Bí nắm giữ hai mạch giao thương trọng yếu là quốc lộ 18 - tuyến đường nối Quảng Ninh với Hà Nội, các tỉnh, thành trong khu vực và quốc lộ 10 - con đường chính nối Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình... với Quảng Ninh. Ngoài ra, tuyến quốc lộ 18A dài 60km cũng đang được đầu tư nâng cấp, hoàn thiện tạo thuận lợi trong kết nối giao thông.
Theo định hướng tầm nhìn mới của UBND tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2020 - 2030, thành phố Uông Bí sẽ là cửa ngõ giao thương phát triển kinh tế ven biển, đặc biệt là kết nối với tam giác kinh tế Hải Dương - Hà Nội - Quảng Ninh.
Với quyết sách đầu tư hạ tầng giao thông đón đầu phát triển kinh tế, ngày 24/3, UBND Quảng Ninh đã phê duyệt ngân sách năm 2021-2022, dành 9.500 tỷ đồng hoàn thiện tuyến đường cao tốc ven sông kết nối cao tốc Hạ Long - Vân Đồn. Qua đó, kết nối các thành phố tập trung kinh tế ven biển giao thương với quốc tế và hai tỉnh Hải Dương - Hải Phòng qua thành Phố Uông Bí, thị xã Đông Triều, huyện Quảng Yên. Đây là động lực mới thu hút hàng loạt doanh nghiệp lớn đầu tư vào thị trường Uông Bí giai đoạn 2021 - 2025.
Tiềm năng tăng giá
Nhờ chính sách "trải thảm đỏ" của chính quyền địa phương, hàng loạt "đại gia" bất động sản đổ bộ về thành phố Uông Bí để xây dựng, phát triển hạ tầng và kinh doanh. Đơn cử như Tập đoàn Vingroup, FLC... rót hàng nghìn tỷ đồng gia tăng sức hút của thị trường bất động sản Uông Bí.
Chia sẻ với báo giới, đại diện phòng Quản lý đô thị thành phố Uông Bí cho biết: "Giá đất Uông Bí so với những khu vực khác của Quảng Ninh chưa cao. Dù giá trị bất động sản hiện đã tăng lên, nhưng vẫn chưa xứng tầm với một đô thị loại 2 như Uông Bí. Theo đó, đầu tư bất động sản Uông Bí thời điểm này phù hợp cả về mức đầu tư và cộng hưởng nhiều lợi thế của thành phố".
Ghi nhận tại một số sàn giao dịch, giá nhà đất tại một số khu vực lân cận thành phố Uông Bí như Hải Phòng đã rơi vào khoảng 30 đến 70 triệu đồng/m2, khu vực trung tâm ở ngưỡng 100 triệu đồng/m2; trung tâm thành phố Hạ Long dao động từ 50 - 100 triệu đồng/m2, thậm chí một căn hộ du lịch mặt biển vừa mở bán đầu năm 2021 giá xấp xỉ 60 triệu đồng/m2. Giá đất tại các dự án nằm tại thị trấn Vân Đồn đang giao dịch xấp xỉ 30 - 50 triệu đồng/m2.
Theo đại diện Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Văn Lang, giá nhà đất trung bình tại trung tâm thành phố Uông Bí hiện rơi vào 15-35 triệu đồng/m2. Loại hình được giới đầu tư săn đón nhiều nhất là biệt thự, liền kề, shophouse.
Hiện tại, chủ đầu tư này cũng đang triển khai dự án Opus One, đô thị kiểu mẫu đầu tiên tại trung tâm thành phố Uông Bí. Dự án đã hoàn thiện hạ tầng, có sổ đỏ sở hữu lâu dài và đang được mở bán với mức giá từ 700 triệu đồng.
Các chuyên gia bất động sản dự báo, với tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình 13% một năm, GDP bình quân đến năm 2020 dự kiến đạt 8.000 USD một người, Uông Bí thu hút hàng nghìn tỷ đồng vào đầu tư công nghiệp, dịch vụ, du lịch... Cuối năm 2020, Uông Bí cũng được chọn là một trong hai thành phố đầu tiên của miền Bắc thí điểm phát triển kinh tế du lịch ban đêm.
Phương Uyên