Trong cuộc họp thượng đỉnh hôm qua tại khách sạn Capella, Singapore, Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã ký một thỏa thuận tái khẳng định cam kết "phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên" của Bình Nhưỡng.
Một số nhà phê bình và chính trị gia đã đề nghị trao giải Nobel Hòa bình cho hai lãnh đạo vì những nỗ lực của họ. Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết giải thưởng uy tín này vẫn khá xa vời với Trump và Kim, ít nhất là tới thời điểm này. Họ nhận định thời gian và phẩm chất là các yếu tố ngăn cản hai lãnh đạo nhận giải, theo AFP.
Trump từng gây sốc với ngoại giao quốc tế khi rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân mang tính bước ngoặt với Iran được ký vào năm 2015, còn Kim Jong-un bị cáo buộc vi phạm nhân quyền. Hơn nữa, tiến trình giải trừ hạt nhân có hiệu quả hay không cũng là một vấn đề. Đây là một quá trình ẩn chứa nhiều rủi ro, phức tạp, và cần thời gian lâu dài.
"Vẫn còn quá sớm. Nhưng nếu thỏa thuận dẫn tới việc giải trừ hạt nhân thực sự trên bán đảo Triều Tiên, khó có thể không trao giải thưởng cho họ. Đó là một viễn cảnh kỳ lạ, nhưng đã xảy ra trong quá khứ, khi có người từng phạm nhiều tội lỗi được nhận Nobel Hòa bình", Asle Sveen, sử gia nghiên cứu về giải Nobel, nói về triển vọng đạt giải của Trump – Kim.
Trước khi hội nghị thượng đỉnh diễn ra, nhiều người, trong đó có Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, cựu tổng thống mỹ Jimmy Carter và Ngoại trưởng Anh Boris Johnson, cho rằng Trump nên được nhận giải Nobel. Tuy nhiên, sau khi việc trao giải cho cựu tổng thống Mỹ Barack Obama vào năm 2009 bị đánh giá là quá vội vàng, Ủy ban Nobel không muốn lặp lại điều này thêm lần nữa.
Nobel Hòa bình năm 2000 được trao cho cựu tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-jung vì những nỗ lực hòa giải với Triều Tiên, nhưng cuối cùng đó lại là "một chiến dịch quan hệ công chúng", theo Henrik Urdal, giám đốc Viện Nghiên cứu Hòa bình ở Oslo, Nauy. "Tôi nghĩ họ sẽ chờ những kết quả đáng kể trước khi trao một giải thưởng khác về vấn đề này", Urdal nhận định.
Dan Smith, giám đốc Viện nghiên cứu hòa bình Stockholm, Thụy Điển, cũng đồng ý rằng còn quá sớm để bàn đến giải Nobel. "Thỏa thuận hôm nay là bước khởi đầu tốt, nhưng hành trình còn dài và phức tạp", ông nói.
Smith nhắc lại những quyết định trước đây của Tổng thống Trump, cho rằng chúng không tác động tích cực tới hòa bình. Đáng chú ý nhất là việc rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới an ninh toàn cầu, và việc rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran khiến tình hình Trung Đông bị xáo trộn.
Peter Wallensteen, giáo sư quan hệ quốc tế tại Thụy Điển, đưa ra ý kiến khác. Ông cho rằng Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in mới là người xứng đáng nhận giải nếu Nobel được trao vì những đóng góp cho hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.
"Thực ra Moon mới là người xứng đáng nhất, nhưng điều này giống như một cú huých chống lại Trump", giáo sư cho biết.
Ánh Ngọc