General Motors (GM) đang rút khỏi Thái Lan như một phần trong kế hoạch cắt giảm nhân sự quy mô lớn của hãng ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Việc tiếp quản của hãng xe Trung Quốc Trường Thành (Great Wall) được kỳ vọng có thể xoa dịu tình hình tại quốc gia Đông Nam Á.
Doanh số ảm đạm, lợi nhuận giảm sút ở Thái Lan và châu Đại Dương khiến hãng xe có trụ sở ở Detroit, Mỹ không còn lý do để duy trì các nhà máy ở đây. GM sẽ chuyển sự tập trung trong khu vực sang những tập hợp nhỏ hơn của thị trường, bao gồm cả Trung Quốc – nơi chiếm hơn 40% doanh số toàn cầu của hãng – và Hàn Quốc, ngay cả khi virus corona đang đe dọa người tiêu dùng và các hoạt động kinh doanh tại đây.
Ngày 16/2, GM cho biết sẽ bán các cơ sở sản xuất ở tỉnh Rayong, Thái Lan cho Trường Thành và ngừng kinh doanh tại quốc gia này trong năm nay. GM đồng thời cũng rút thương hiệu Holden vào năm sau khi rút lui khỏi Australia và New Zealand. Động thái này theo sau thương vụ GM bán một nhà máy ở Ấn Độ cho Trường Thành vào tháng trước.
Sự rút lui này khiến Trung Quốc và Hàn Quốc sẽ trở thành các cơ sở sản xuất duy nhất của GM ở châu Á.
"Chúng tôi đang tái cơ cấu hoạt động kinh doanh quốc tế, tập trung vào các thị trường nơi chúng tôi có chiến lược đúng đắn để tăng trưởng lợi nhuận", chủ tịch kiêm giám đốc điều hành GM Mary Barra nói.
Hãng này đang "đặt ưu tiên vào các khoản đầu tư toàn cầu sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng trong tương lai của ngành ôtô, đặc biệt là trong lĩnh vực xe điện và xe tự lái", bà cho biết.
Việc mua lại nhà máy sẽ khiến công ty quốc doanh Trường Thành trở thành hãng xe Trung Quốc mới nhất có được chỗ đứng ở Đông Nam Á. Tập đoàn SAIC đang hoạt động ở Thái Lan, Indonesia và Ấn Độ; Geely Chiết Giang, hãng mẹ của Geely, có cổ phần trong hãng xe mang thương hiệu quốc gia Proton của Malaysia.
GM đã sản xuất khoảng 50.000 xe một năm ở Thái Lan, bao gồm bán tải Chevrolet, và xuất khẩu tới các thị trường như Philippines, Indonesia, Việt Nam. Tuy nhiên doanh số không được như mong đợi.
Căn cứ vào "năng suất sử dụng thấp và sản lượng dự báo" tại các nhà máy ở Rayong, GM kết luận rằng việc tiếp tục hoạt động ở đây là "không bền vững". Và nếu không có sản xuất nội địa, Chevrolet sẽ không thể cạnh tranh ở Thái Lan, hãng này cho biết thêm.
GM có 1.500 lao động toàn thời gian trên khắp Bangkok và Rayong. Đa số những người này "sẽ bị giải tán", GM Thái Lan nói.
Chevrolet bán được hơn 15.000 xe tại Thái Lan năm ngoái, khi tổng doanh số ôtô mới ở đây đạt 1 triệu xe. Con số này kém xa so với các đối thủ như Toyota, Isuzu và Honda.
Tỷ giá hối đoái không giúp ích được gì trong những vấn đề này. Đồng baht Thái nhìn chung mạnh lên từ 2015, hiện nay tăng lên mức cao nhất trong 6 năm qua so với USD, do tình hình xuất khẩu mạnh mẽ và lượng lớn khách du lịch quốc tế. Đồng tiền mạnh khiến lợi nhuận thấp hơn khi xuất các ôtô sản xuất tại Thái Lan ra nước ngoài, đồng thời cũng bào mòn lợi nhuận của các hãng xe khác trên toàn cầu.
Việc mua lại nhà máy Rayong sẽ giúp Trường Thành, hãng xe đã rất thành công ở Trung Quốc, có cơ hội tốt hơn để thâm nhập vào thị trường chủ chốt của ASEAN.
Với trung tâm là Thái Lan, hãng xe này sẽ "bành trướng trên toàn bộ khu vực ASEAN, và xuất khẩu sản phẩm của mình tới các nước ASEAN khác cũng như Australia", Liu Xiangshang, phó giám đốc chiến lược toàn cầu của hãng này, cho biết.
Trường Thành, có doanh số tăng 1% lên 1,06 triệu xe năm 2019, nhắm đến mục tiêu tạo ra 30 đến 40% doanh số bên ngoài Trung Quốc trong vòng 4 năm.
Việc mua lại cơ sở sản xuất ở Rayong sẽ có nghĩa là nhà máy này không còn ăn không ngồi rồi - tin tốt đối với Thái Lan, trung tâm sản xuất ôtô lớn nhất Đông Nam Á và quê hương của hàng trăm hãng sản xuất nguyên vật liệu và phụ tùng.
"Chúng tôi cũng sẽ thúc đẩy sự phát triển của chuỗi cung ứng địa phương, bộ phận nghiên cứu và phát triển và các ngành công nghiệp liên quan, đồng thời đóng góp nhiều hơn vào ngân sách của cả chính quyền địa phương Rayong cũng như chính phủ Thái Lan", Liu nói.
Ngành công nghiệp ôtô Thái Lan sẽ không phải chịu thiệt hại đáng kể từ sự ra đi của GM, Surapong Paisitpatanapong, phát ngôn viên của nhóm công nghiệp ôtô tại Liên đoàn Công nghiệp Thái Lan, cho biết. "GM sản xuất một số lượng hạn chế ôtô ở Rayong với số lượng bán ra và xuất khẩu thấp", báo Bangkok Post trích lời ông này.
Các nhà sản xuất ôtô toàn cầu đã tăng cường đầu tư vào các thị trường châu Á mới nổi và phát triển nhanh vượt bậc từ những năm 2000. Nhảy vào sân chơi này, GM cũng sản xuất xe ở Thái Lan, Indonesia và Ấn Độ nhằm bán ra trên toàn khu vực này. Nhưng khi các hãng nội địa và Nhật Bản tung ra hàng loạt các mẫu xe cỡ nhỏ hợp túi tiền, GM không thể có được chỗ đứng vững chắc như hãng từng mong muốn.
Tổng doanh số của hãng này ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương trừ Trung Quốc năm 2019 đạt chưa đến 200.000 xe, chiếm chưa đến 3% doanh số của hãng trên toàn cầu.
Thương hiệu Holden của Australia, được thành lập năm 1856 khi còn là một hãng sản xuất yên ngựa và gia nhập tập đoàn GM những năm 1930, đã phải chịu tác động từ lực cầu suy yếu trong vài năm trở lại đây. Doanh số tụt xuống còn 29% trong 2019 ở khoảng 43.000 xe, chiếm 4,1% thị phần, theo Liên đoàn Công nghiệp ôtô Australia.
Kế hoạch đại tu ở châu Á của GM sẽ phải phụ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc, nơi cả doanh số ôtô nói chung và thị phần của GM nói riêng đang thu hẹp. Hãng này đã chậm chân hơn các đối thủ trong việc tận dụng tính phổ biến của các mẫu SUV, chứng kiến doanh số của các hãng Trung Quốc trượt nhẹ 15% trong năm ngoái, mức hạ lớn hơn con số 8% suy giảm ở thị trường rộng hơn.
Dịch bệnh viêm phổi cấp do virus corona càng làm tăng thêm tính bấp bênh. Một vài cơ sở sản xuất của GM tại Trung Quốc vẫn phải đóng cửa, bao gồm nhà máy liên doanh ở Vũ Hán, tâm điểm bùng phát dịch bệnh. Tình trạng ngừng hoạt động kéo dài có thể làm thay đổi kế hoạch ra mắt dòng xe điện mới cũng như các mẫu xe khác trong 2020.
Mai Huyền (Theo Nikkei)