> Cân nhắc sửa luật theo hướng mở cho hôn nhân đồng tính / Cửa cho hôn nhân đồng tính vẫn khép
Bà Honey Tan - luật sư kiêm chuyên gia quốc tế về các vấn đề đồng tính nữ, đồng tính nam, song tính và chuyển giới (LGBT) chia sẻ câu chuyện trên như một ví dụ điển hình về việc các nhà lập pháp trên thế giới đang dần có thái độ cởi mở, bảo vệ quyền lợi của nhóm tính dục thiểu số.
Phát biểu tại hội nghị quốc tế về vấn đề này diễn ra ngày 12/11 tại Hà Nội, bà Honey Tan mong muốn chia sẻ nhiều kinh nghiệm trong việc giải quyết những vấn đề của "thế giới thứ ba" cho Việt Nam.
Các chuyên gia quốc tế sẽ chia sẻ kinh nghiệm để xóa bỏ những rào cảnvới người đồng tính, song tính, chuyển giới ở Việt Nam. Ảnh: Phan Dương. |
Vị chuyên gia quốc tế khẳng định trong vòng một thập kỷ trở lại đây, các vấn đề về người đồng tính đã có những chuyển biến tích cực, nhiều nước công nhận hôn nhân đồng giới:
Bà nói rằng trước khi đạt được những kết quả đáng mừng, các nước này cũng có giai đoạn thiếu kiến thức, dẫn đến định kiến sai lầm, phân biệt đối xử. Ví như Mỹ từng xem đồng tính như một bệnh, cố tìm cách chữa trị, thậm chí bỏ tù, tra tấn dã man. Thế rồi, họ cũng nhận ra đồng tính là một xu hướng tính dục không thể thay đổi, và thông qua đạo luật liên bang, trong đó cho phép các tiểu bang có quyền tự chủ về hôn nhân cùng giới.
"Và gần đây nhất trong hai lần tranh cử, tổng thống Obama cũng đề cập đến một bộ phận thiểu số trong xã hội là người đồng tính. Năm 2005, chính tòa án hiến pháp Nam Phi đã lên tiếng bảo vệ kết hôn đồng giới", bà Honey Tan nói.
Tương tự, tại cuộc họp tháng 3/2012 của Hội đồng nhân quyền Liên Hợp Quốc, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, ông Ban Ki - moon đã kêu gọi tất cả các quốc gia trên thế giới chấm dứt nạn phân biệt đối xử và bạo lực với người thuộc "thế giới thứ ba". Ông nói: "Đối với những người đồng tính nữ, đồng tính nam, song tính và chuyển giới, tôi muốn nói với các bạn rằng: Các bạn không đơn độc. Cuộc đấu tranh của các bạn nhằm chấm dứt nạn bạo lực và phân biệt đối xử là cuộc đấu tranh chung".
Chính vì thái độ quyết liệt này, sắp tới các quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc phải có báo cáo về tình hình của bộ phận tính dục thiểu số, trong đó có Việt Nam.
"Hội nghị này tổ chức đúng lúc Việt Nam sắp phải trình báo cáo lên Liên Hợp Quốc. Chúng tôi rất hy vọng Việt Nam sẽ trở thành quốc gia châu Á đầu tiên cho phép kết hôn đồng giới", bà Suzette Mitchell - đại diện UN Wonmen tại Việt Nam - bày tỏ.
Cũng trong hội nghị, các chuyên gia quốc tế và Việt Nam còn đưa ra câu hỏi liệu có cần một công ước, đạo luật nào để xử lý những vấn đề đối với cộng đồng người đồng tính... hay không?
Anh Lương Thế Huy - đại diện Nhóm kết nối và chia sẻ thông tin (ICS) - một tổ chức của người đồng tính ở Việt Nam bày tỏ: "Ở Việt Nam và cả trên thế giới không có một đạo luật nào cấm phân biệt đối xử với người đồng tính, nhưng điểm mấu chốt khi giải quyết các vấn đề về họ là dựa trên quyền con người. Tôi thích một câu 'Dưới vòm trời này không có gì khác biệt, chỉ là sự đa dạng'. Quan điểm của chúng tôi là bảo vệ sự đa dạng đó".
Cũng như vậy, bà Honey Tan nhấn mạnh: "Liên quan đến vấn đề thi hành luật pháp, chúng ta không cần một luật cụ thể mà cần và áp dụng những nguyên tắc nền tảng, ví dụ quyền bình đẳng trước pháp luật... Không coi họ là người đồng tính mà xem họ là một con người, thành viên xã hội. Chỉ cần quan điểm này thì có thể áp dụng bất kỳ luật quốc tế và trong nước nào".
Phan Dương