Với khoảng 25.000 doanh nghiệp cơ khí đang hoạt động, chiếm gần 30% tổng số doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo cả nước (số liệu của Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương), ngành cơ khí chế tạo được đánh giá cao về tiềm năng phát triển trong những năm tới.
Tính riêng phía bắc, nhiều tỉnh đang có kế hoạch đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp sản xuất. Trong khi Bắc Ninh đẩy mạnh phát triển các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, thì Hà Nội tập trung thúc đẩy quan hệ hợp tác liên kết các doanh nghiệp trên địa bàn và phạm vi cả nước. Hưng Yên cũng đặt mục tiêu từng bước tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Bên cạnh đó, các tỉnh thành có nhiều thế mạnh trong ngành công nghiệp sản xuất từ trước đến nay như Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Hải Phòng đều đang triển khai các kế hoạch phát triển dài hơi.
Sự chuyển dịch mạnh mẽ của chuỗi cung ứng trên toàn cầu khiến nhiều tập đoàn đa quốc gia chú ý và đẩy mạnh đầu tư vào thị trường Việt Nam. Tuy vậy, đa số các doanh nghiệp công nghiệp của Việt Nam còn nhỏ lẻ, chưa đủ khả năng ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, cải tiến công nghệ vào quy trình sản xuất, do đó có nhiều hạn chế trong việc tham gia sâu vào chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu.
Nhằm tạo sân chơi cho các doanh nghiệp sản xuất cơ khí chế tạo tìm hiểu và tiếp cận công nghệ, thị trường, chuỗi triển lãm quốc tế MTA đã ra đời. Gần 20 năm qua, MTA đã ghi dấu ấn trong cộng đồng cơ khí chế tạo không chỉ tại thị trường miền Nam mà cả miền Bắc. Cái tên MTA Hanoi đã dần trở thành một phần không thể thiếu của cộng đồng cơ khí sau 7 lần tổ chức.
Năm nay, MTA Hanoi 2022 sẽ mở cửa đón khách từ ngày 12 - 14/10 tại I.C.E - Trung tâm triển lãm quốc tế, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Trong 3 ngày triển lãm, các khách tham quan chuyên ngành sẽ được gặp gỡ những cái tên quen thuộc có ảnh hưởng trong ngành như Sodick, Mitsubishi, Hiwin, Tinh Ha, Hwacheon... cùng một số thương hiệu mới như Kamogawa, Cominix, Durma, Jinan Bodor, VPIC lần đầu tiên đến với sân chơi của thị trường cơ khí chế tạo miền Bắc. Với hơn 60% các đơn vị trưng bày quốc tế đến từ Đức, Anh, Nhật Bản, Áo, Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Singapore, Israel, Malaysia, Thái Lan, cùng các đơn vị trưng bày lớn đến từ Việt Nam, MTA Hanoi 2022 được kỳ vọng sẽ thu hút sự quan tâm lớn từ cộng đồng cơ khí chế tạo.
Phiên bản lần thứ 8 của triển lãm quốc tế về máy công cụ, cơ khí chính xác và gia công kim loại còn bao gồm các buổi trình diễn sản phẩm về máy định hình kim loại, máy cắt kim loại tấm, máy cắt kim loại, công nghệ đo lường và kiểm tra, dụng cụ cắt và gia công cắt gọt... và tất nhiên không thể thiếu các máy móc công nghệ tự động hóa đang được rất nhiều doanh nghiệp quan tâm.
Triển lãm không chỉ là nơi để các cá nhân, doanh nghiệp trong ngành cơ khí chế tạo gặp gỡ các nhà cung cấp hàng đầu các sản phẩm và công nghệ, góp phần thúc đẩy giao thương và kết nối kinh doanh, MTA Hanoi còn là nơi cập nhật kiến thức cần thiết khi tổ chức nhiều hội thảo bổ ích. Tiếp nối câu chuyện nâng cao trình độ và kỹ thuật công nghệ trong chuỗi sản xuất, MTA Hanoi 2022 kết hợp cùng với MESLab mang đến một loạt các chương trình hội thảo về chủ đề sản xuất thông minh, công nghệ in 3D kim loại, thiết kế kỹ thuật số... trong suốt 3 ngày triển lãm. Dẫn dắt hội thảo là các chuyên gia giàu kinh nghiệm trong việc tiếp cận và thực hiện các dự án sản xuất thông minh.
(Nguồn: MTA)