Cô giáo Nga (trái) tranh thủ dạy chữ. Ảnh: Tuổi Trẻ |
Lớp học này là một góc thuyền của dân chài. Không thời khóa biểu, không bàn ghế..., một tuần ít nhất chị Nga đứng lớp tới ba lần với gần 15 học sinh.
Là một công nhân đo mực nước và nhận thông tin để hướng dẫn thuyền đi đúng hướng, nhưng nhiều phen chị Nga hú vía với các đoàn thuyền chài ở Hải Dương lên. Chị cho biết: “Đã nhiều lần tôi đưa ra tín hiệu nhưng họ không nghe. Ban đầu cứ nghĩ họ cố tình đùa, nhưng qua vài lần mới biết họ không biết chữ”. Đó là cái cớ duy nhất mà cô giáo Nga đứng lớp hơn 13 năm nay.
Chị đã nhiều đêm một mình “vượt vũ môn” để dạy chữ. Chị kể: “Năm 1995, sau khi dạy xong đã gần 10h. Thấy trời nhiều mây, ba em học sinh nhận đưa cô giáo qua sông. Vừa qua được nửa sông, trời đổ mưa gió. Chiếc thuyền tròng trành nước, gió, mưa thổi như bão, tôi ngồi sát mé thuyền để tát nước, trò ra sức để đưa thuyền vào bờ. Rất may tối hôm đó chỉ có sách vở bị gió cuốn…”.
Cũng vì lớp học này mà cô giáo Nga nhiều lần bị phê bình trước cán bộ của trạm. Chị tâm sự: “Mình cứ làm tốt công việc của mình là được. Cũng có nhiều người trong trạm động viên”. Nhưng nhiều đêm chị một mình vượt sông để đến với các em, sợ nếu vài ngày không đến, các em quên hết những gì đã dạy hôm qua.
Dù không được học hành đến nơi đến chốn, chị Nga luôn tâm niệm: “Mình biết cái gì dạy các em cái đấy”. Biết bao nhiêu thế hệ được chị Nga đào tạo, từ những em 18 tuổi không biết một chữ cái nay đã làm thuyền trưởng... Mỗi tháng dù tàu đi Nam ra Bắc, những lá thư đầy tình yêu thương của học trò vẫn đều đặn gửi về cho chị.
Gần đây, ông Nguyễn Văn Nam, Trạm trưởng Trạm quản lý đường sông số 4, đã ưu ái cho lớp học của Nga một căn phòng ngay trong trạm, nằm cách sông chưa đầy 10 m. Chập tối, khi ca gác kết thúc, chị âm thầm xách đèn và cặp, nhưng không phải sang bên kia sông nữa, mà đứng đầu kè đá giơ cao đèn báo tín hiệu cho các em qua sông, kẻo lớp học muộn giờ...
(Theo Tuổi Trẻ)