Cha mẹ phạt con bằng cách đánh thì có thể kiềm chế được vì là con của mình. Thầy cô thì khó hơn vì không có máu mủ, thêm nữa ở nhà có 2-3 đứa còn ở lớp có tận vài chục đứa nên lại càng khó hơn. Chính bởi thế cần có chế tài hình phạt nghiêm khắc hơn với giáo viên, điều này chính là giúp họ tránh phạm tội chứ không phải là hà khắc với ngành giáo dục như nhiều người nghĩ.
Có lần con tôi vứt đồ ăn ra lớp, cô giáo bắt nhặt lên ăn, có phụ huynh lấy điện thoại quay được cộng thêm nhiều bức xúc khác đòi kiện cô. Tôi ngăn lại và nói chuyện với cô, cô nói không làm vậy chúng cưỡi lên đầu mất.
Tôi bảo cô phạt như vậy không có tác dụng gì đâu, chúng chỉ nghe lời cô mấy hôm thôi. Cô không tin nhưng đúng là chỉ được ba hôm chúng lại vứt rác như cũ.
>> Bị đình chỉ vì phạt học trò tự tát: Giáo viên răn đe bằng cách nào để không sai?
Chuyện còn dài nhưng tôi xin tóm tắt sau này cô đổi cách phạt là ai vứt rác phải lau bảng và quét lớp ba ngày hoặc đứng trước lớp đọc bài thơ chị lao công trong bảy ngày. Ai nhặt rác giúp bạn hoặc phát hiện vẽ bậy ra tường được được thưởng một cây bút hoặc 2 quyển vở, hoặc một bánh quy socola, một quả cầu...(giá khoảng 5 nghìn đồng mỗi thứ).
Kết quả ra sao các bạn tự đoán nhé, chỉ xin tiết lộ là cô giáo thì không bị kiện, cuối năm chia tay thì nhiều đứa khóc quá nên cô cũng khóc theo vì xúc động.
Xin kể thêm là tôi có người bạn hồi nhỏ chơi điện tử, game đế chế 12 tiếng liên tục không mệt (game đế chế là game mất nhiều sức nhất, kể cả có máy lạnh chơi một giờ đồng hồ cũng ướt hết áo vì mồ hôi). Nhưng khi học bài để thi khoảng gần hai tiếng mà mệt mỏi như sắp chết. Tất cả đều do hai chữ " được" chơi và "phải" học mà ra.
Hãy cố tạo ra những bài học hay hình phạt mang tính chất "game" giống như cô giáo tôi kể phía trên. Xin mọi người nghĩ ra những phương pháp tương tự để góp ý thay vì chỉ trích các thầy cô.
>> Chia sẻ bài viết của bạn tại đây