Nimura Michiko, 33 tuổi, nữ tình nguyện viên Nhật Bản được thầy và trò trường Tiểu học Tân Mỹ gọi bằng cái tên trìu mến... "Michiko vui nhộn". Những tiết học của cô luôn tràn đầy tiếng cười và thu hút học sinh tham gia.
Sinh trưởng trong một gia đình trung lưu tại thành phố Nagoya, tỉnh Aichi (Nhật Bản), Michiko đến trường Tân Mỹ rất tình cờ. Với tâm niệm, muốn chia sẻ kinh nghiệm sống với những người kém may mắn, cô nộp đơn xin làm tình nguyên viên lên Tổ chức Hợp tác Quốc tế Nhật Bản và được cử sang Việt Nam làm tình nguyện viên. Toàn bộ chi phí ăn ở, giảng dạy của cô do Nhật Bản tài trợ.
Đang là giáo viên trường tiểu học Kutsukake thành phố Nagoya, nhận được "giấy triệu tập", Michiko hồ hởi lên đường sang Việt Nam. Với vốn tiếng Việt ít ỏi học được trong 3 tháng chuẩn bị, cô chọn điểm đến là Bắc Giang, nơi được bạn bè cho là có nhiều người thiếu thốn, cần chia sẻ.
Michiko phát giấy vẽ cho học sinh. Ảnh: Xuân Tùng |
"Hồi ở Nhật, em đã thích và yêu mến Việt Nam qua các món ăn của người Việt. Nghe các bạn nói, một số vùng miền núi của Việt Nam nhiều trẻ em vẫn còn thiếu thốn, cần sự sẻ chia nên em xin sang làm tình nguyện viên, dạy chữ cho trẻ em", Michiko tâm sự.
Thời gian đầu mới sang Việt Nam, do khác biệt ngôn ngữ, nên giờ dạy thể dục, thủ công của Michiko gặp nhiều trở ngại. Nhiều lúc bí từ, cô giáo đến từ đất nước mắt trời mọc phải dùng tiếng Anh xen lẫn tiếng Việt. Mỗi lần như thế, học trò ngơ ngác, khiến cô cuống cuồng, lo lắng.
Nhưng rồi bằng ngôn ngữ cử chỉ và trực tiếp hướng dẫn các em từng động tác, cộng thêm sự vui vẻ hồn nhiên của một cô giáo trẻ yêu nghề, chẳng mấy chốc những tiết dạy của cô đã được các em hào hứng tham gia. Giờ đây sau gần 2 năm gắn bó với ngôi trường ở một vùng miền núi nghèo, cô giáo người Nhật đang chiếm được tình cảm yêu quý của học trò.
"Những ngày đầu mới lên Bắc Giang, Michiko thấy cái gì cũng lạ lắm. Đường phố xe máy chạy ầm ầm. Ra đường chẳng biết lối nào đi. Thế nhưng được sự giúp đỡ của các đồng nghiệp trong trường, Michiko cũng quen dần với cuộc sống ở đây", Michiko thổ lộ.
Cô và trò cùng học. Ảnh: Xuân Tùng |
Hơn một năm nay, lớp 2C của cô giáo chủ nhiệm Đoàn Thị Loan đều đặn có 2 tiết thủ công mỗi tuần do Michiko đứng lớp. Mỗi khi có tiết, cô giáo 33 tuổi này lại phát tới từng học sinh kéo, thước kẻ, hồ dán, giấy báo... do cô chuẩn bị cho tiết học thủ công của mình.
Từng thao tác của kỹ thuật cắt gấp mũ được Michiko hướng dẫn chi tiết qua giọng tiếng Việt chậm rãi. Phía dưới học sinh chăm chú làm theo.
Nguyễn Thị Ngân Hoa, cô học trò xinh xắn lấy ra từ trong ngăn bàn chiếc túi đựng, nào quả bóng, cái hộp, con thỏ, con gấu... khoe: "Đó là các tác phẩm thủ công mà cô của chúng em dạy đấy. Lớp em ai cũng quý và thích cô Michiko".
Cô Loan chủ nhiệm lớp 2C tâm sự, trước đây, mặc dù thầy, cô trong trường đều rất cởi mở với học sinh, nhưng các em vẫn giữ một khoảng cách nhất định. Đa phần là sợ sệt và ngại mỗi khi tiếp xúc với giáo viên. Nhưng từ khi Michiko đến không khí học tập đã khác hẳn. Chỉ cần nhìn thấy Michico đi ngoài sân trường các em lại xúm lại cười đùa. Những tiết học của cô giáo người Nhật này luôn được các em hào hứng đón nhận và tham gia nhiệt tình.
"Nhìn các em hồ hởi vừa học vừa cười, tôi có cảm giác giữa cô và trò không có khoảng cách. Điều này không một giáo viên nào trong trường làm được", cô Loan tâm sự
Trao đổi với VnExpress.net, cô Hoàng Thị Minh, hiệu trường trường tiểu học Tân Mỹ nhận xét: "Michiko là cô giáo trẻ nhiệt tình, dễ gần, được đồng nghiệp và học sinh yêu quý. Tuy còn gặp khó khăn về ngôn ngữ nhưng cách giảng dạy cuả Michiko rất dễ nhớ, thu hút và tạo được hứng thú cho học sinh".
Xuân Tùng