Tôi lớn lên trong một gia đình nhà giáo. Khi thi đại học, tôi có thể tự tin rằng với năng lực của mình tôi có thể thi đỗ bất kỳ trường đại học nào. Tôi đã chọn trường Sư phạm. Tôi tốt nghiệp bằng giỏi, ra trường và đi dạy được gần 10 năm. Ngần ấy thời gian, tôi đã khẳng định được năng lực của mình, cũng đã nếm trải cả vị ngọt và vị đắng của cái nghề này.
Khi tôi quyết định học sư phạm, tôi luôn tâm niệm rằng bất kỳ nghề nào cũng vậy, khi bạn làm rất tốt, chắc chắn bạn sẽ có chỗ đứng, chắc chắn bạn sẽ làm được nhiều điều tốt đẹp và chắc chắn bạn sẽ không thể nghèo.
Từ khi tôi ra trường, vì lý do này hay lý do khác, tùy từng hoàn cảnh, nhưng năm nào tôi cũng có lớp học miễn phí. Miễn phí không phải vì ngoại giao, vì học sinh có hoàn cảnh khó khăn, hay đơn giản là có những học sinh quá yếu không theo nổi các bạn trong lớp tôi muốn vực sức học của em ấy lên.
Tôi lên lớp với lòng thiết tha mong muốn truyền cảm hứng về môn học của mình cho học sinh. Tôi hạnh phúc khi ánh mắt học trò nhìn mình tin cậy và kính trọng. Những điều đó, tôi cho rằng đúng là mình hết lòng thì mình sẽ được ghi nhận. Ngày 20/11, có hoa, có quà và có phong bì.
Tôi nhớ ngày còn nhỏ, nhà tôi có rất rất nhiều phích nước Rạng Đông, còn thừa nhét đầy gầm giường. Bố mẹ tôi đều là giáo viên, và món quà phổ biến thời bấy giờ là phích nước Rạng Đông, chả biết nơi khác có thế không nhưng quê tôi là thế.
Bây giờ tôi cũng là giáo viên, ngày 20/11 là hạnh phúc và cay đắng. Gần đến 20/11, tôi nhận được nhiều lời chúc, quà tặng, học sinh cũ học sinh mới, những tình cảm của các em cho tôi nhiều sức mạnh và niềm tin để tiếp tục con đường mình đã chọn. Mỗi lớp tôi dạy có một số phụ huynh gửi thiệp tặng tôi, trong thiệp có ghi lời chúc, có tiền. Thường là 200.000 đồng, thỉnh thoảng có phụ huynh thì 500.000 đồng, thường là gửi qua giáo viên chủ nhiệm.
Có một lần phụ huynh đến nhà tôi, sau khi gọi điện và nói rất tha thiết tôi đã cho địa chỉ (bình thường tôi không tiếp phụ huynh ở nhà, nếu gặp thì gặp trên trường). Bác ấy đến và nói rằng “Tôi rất muốn gặp cô giáo, vì chưa bao giờ tôi thấy con tôi yêu quý một cô giáo nào như yêu quý cô”. Món quà là một tấm thiệp, bên trong có 200.000 đồng và ghi: "Cám ơn cô giáo vì đã tận tình dạy dỗ con chúng tôi".
Tôi cảm thấy vui với món quà đó. Cứ là tiền thì là xấu ư, cứ là tiền thì tiêu cực ư? Tôi đọc trên báo phong bì là “món quà lót tay” không thể thiếu của phụ huynh dành cho giáo viên trong ngày 20/11. Tôi thấy chua chát với cái cách người ta dùng từ.
Một bó hoa trong ngày 20/11 ở Hà Nội này cũng tầm 200.000 đồng, một cái phích nước Rạng Đông loại rẻ nhất là 95.000 đồng. Nếu nhận quà thì là trong sáng, còn nhận 200.000 đồng thì là xấu, là tiêu cực? Ngày 20/11, tôi đã tặng cho cô giáo của con tôi một tấm thiệp ghi lời cám ơn thật chân thành và 200.000 đồng, để cám ơn cô đã quan tâm chăm sóc cháu, tôi chả có ý định hối lộ gì cả.
Tôi không muốn nói về chương trình học nặng như thế nào nữa. Tôi dạy một trường top đầu của Hà Nội, mặt bằng học sinh khá tốt, thế mà mỗi năm lớp 12 cô dạy miệt mài, trò học miệt mài mới đảm bảo hết chương trình và có một chút nâng cao cho học sinh. Giờ nào tôi cũng phải dạy cố một chút sang cả giờ ra chơi và kết thúc năm học tôi cảm thấy mình như vừa đi thi chạy vậy.
Tôi có thể nói rằng với số môn học như thế, chương trình học như thế, với sự cạnh tranh khắc nghiệt để vào một trường đại học tốt, học sinh có phải là siêu nhân đâu, có phải học sinh nào cũng thông minh tuyệt đỉnh đâu, việc nảy sinh nhu cầu học thêm là không thể tránh khỏi.
Tôi dạy thêm học sinh không học tôi trên trường, điều đó chứng tỏ học sinh học tôi vì tôi dạy tốt chứ không phải vì thế này thế khác. Không phải giáo viên nào cũng dạy tốt, tôi dạy tốt, tôi nhiệt tình thân thiện, học sinh muốn học tôi, tôi kiếm tiền bằng lao động của mình, tại sao tôi không thể tự hào về điều đó?
Tôi nghe nhiều người nói: Đã làm cái nghề này thì phải tâm huyết, còn muốn kiếm tiền thì làm nghề khác. Đồng tiền là một thứ xấu xa ư? Để chứng tỏ rằng mình tâm huyết thì mình phải nghèo ư? Chưa nói đến chuyện ở một thành phố lớn, tôi có con cái tôi cũng phải sinh nhai, tôi chỉ muốn hỏi cái lý gì mà tôi không được kiếm tiền bằng năng lực của mình?
Mỗi năm dạy học sinh lớp 12, có những học sinh hỏi ý kiến tôi về việc thi sư phạm. Tôi nói với học sinh rằng nếu em thực sự yêu thích nghề đó thì hãy thi, còn nếu nó chỉ là một phương án lựa chọn bình thường như bao phương án khác thì đừng. Bởi vì nghề này, yêu nó thì mới làm tốt được, yêu nó thì mới vượt qua được những phút nản lòng, yêu nó thì mới được đáp lại để có thêm sức mạnh mà đi tiếp.
>> Xem thêm: 20-11 tôi không được sinh viên tặng hoa
Mai
Chia sẻ bài viết của bạn về giáo dục tại đây