Theo nhà văn - nhà báo Phan Hoàng, đại diện Hội Nhà văn TP HCM: "Hồ Xuân Đà hiểu tư duy của trẻ và sử dụng từ ngữ mộc mạc. Cách dùng từ gần gũi, phù hợp với thiếu nhi". Sau khi đọc bản thảo, nhà văn nói chị nắm vững tâm lý tuổi mới lớn nhờ kinh nghiệm dạy học.
Nhân vật chính là Bụi Phấn, một cô bé khác biệt với đồng trang lứa vì thích đọc sách và không mê công nghệ. Tác giả xây dựng hình tượng như vậy vì mỗi trẻ em có hướng phát triển khác nhau và cần được tạo cơ hội để bày tỏ tâm tư, nguyện vọng. Bậc cha mẹ cũng nên hiểu tâm lý của tuổi mới lớn và dành nhiều thời gian cho con cái.
Bụi Phấn thiếu thốn tình cha và sống nội tâm. Nhưng cô bé biết đồng cảm, chia sẻ với mẹ những áp lực trong cuộc sống. Cô bé cảm thông cho cơn tức giận của mẹ: "Ở lứa tuổi của tôi, chưa biết dùng lời gì để san sẻ với mẹ, để cho mẹ nguội đi cơn bão trong lòng". Bụi phấn còn quan tâm và bao dung với em trai, bè bạn. Cô bé chủ động thay mẹ kèm em học toán và cùng em vượt qua nỗi nhớ cha.
Về tên truyện, Hồ Xuân Đà nói: "Loài hoa bồ công anh là một cô tiên lắng nghe tâm tình của trẻ và mang đến điều diệu kỳ, giúp các bé yêu cuộc sống, có lòng vị tha, nhân ái". Cuộc sống hiện đại cuốn con người vào vòng xoáy công nghệ, vì thế nhà văn qua Bồ công anh nhỏ kể những điều thú vị ngoài màn hình phẳng điện thoại. Tác giả mong độc giả nhí cảm nhận được giá trị của việc đọc sách, học kỹ năng như chơi đàn và làm việc nhà đỡ đần mẹ cha.
Bụi Phấn không là một hình mẫu lý tưởng, bởi cô bé vẫn có những phút sợ hãi, những nỗi niềm chưa thể tỏ cùng ai. Tuy nhiên, cô bé mang phẩm chất đáng trân trọng và gợi lên một tâm hồn trong trẻo, đầy mơ ước. Tác giả viết trong lời đề tựa sách: "Bồ công anh nhỏ như món quà một người mẹ dành cho con, với hy vọng các con biết tìm cho mình ước mơ, có mục tiêu lý tưởng để miệt mài học tập, say sưa rèn luyện, để có tự tin bước vào đời, tự đi trên chính đôi chân của mình".
Bồ công anh nhỏ được Nhà xuất bản Văn hóa - Văn nghệ TP HCM phát hành danh cho tuổi mới lớn từ lớp 6 đến lớp 9. Tiến sĩ Văn học - Nhà giáo Hà Thị Kim Phượng đánh giá cuốn sách có thể làm bạn với các em trong hành trình tìm kiếm ước mơ, đúng vai trò của văn hóa đọc "mở ra trang sách, sáng cả tương lai".
Hồ Xuân Đà là một cô giáo mầm non, đam mê sáng tác, sinh sống tại TP HCM. Tập truyện ngắn đầu tay Khao khát bình yên phát hành năm 2017. Sau đó, tác giả đều đặn ra mắt sách mỗi năm như truyện dài Trăng mười sáu (2018), Món quà yêu thương - Những câu chuyện kể về kỹ năng sống cho trẻ (2019), Đôi bàn tay mẹ (2020).
Quỳnh Quyên