Thân gửi các cô mẫu giáo của con!
Giờ này là nửa đêm, khi con tôi đang gác chân lên chiếc gối con mèo thân thuộc của cháu và say trong giấc ngủ, tôi viết thư này gửi các cô trong một tâm trạng rối bời, xúc động xen lẫn mừng vui và lo lắng. Chỉ sáng mai thôi là con tôi sẽ bước vào ngày đầu tiên theo học, cháu sẽ lớn lên từng ngày, vui chơi và học tập dưới sự dìu dắt của các cô. Dù muốn hay không, sáng mai cháu sẽ ra khỏi vòng tay của bố mẹ, ông bà và những người thân thuộc để đến với vòng tay chăm sóc của những người lạ, không cùng máu mủ, chưa từng quen biết.
Khi cháu ra đời, tôi không được đón trên tay, không được ở bên mẹ con cháu vào giờ phút khó khăn và thiêng liêng ấy. Khi đó tôi đang ở sân bay đáp chuyến máy bay kéo dài 12 tiếng từ Đức về với hai mẹ con. Tôi chỉ được bế cháu vào lòng và nhìn thấy cháu lần đầu tiên một ngày sau đó, nặng 2,7 kg, đỏ hỏn và bé xíu. Cháu bé và nhẹ đến nỗi tôi cũng chẳng dám bế lâu, chỉ sợ chẳng may mình hậu đậu đánh rơi. Vợ chồng tôi cũng như những cặp vợ chồng son khác gần như không có kinh nghiệm gì trong việc nuôi dưỡng một đứa bé. Dù có sự giúp đỡ từ ông bà, vợ chồng tôi vẫn loay hoay với sữa, bỉm, miếng ăn, giấc ngủ và cái “ị” cho con. Tôi may mắn có người vợ tuyệt vời, cô ấy học mọi thứ rất nhanh và thực hiện thuần thục, có lẽ đó là thiên chức làm mẹ. Trong khi đó, tôi là một ông bố không biết cho con ăn, không biết tắm và thay bỉm cho con. Nếu có người hỏi tôi yêu con, chăm sóc con như thế nào, có lẽ chỉ biết nhe răng cười cho qua chuyện.
Những đêm khi cháu còn nhỏ xíu, tôi thường ngủ không yên, không phải vì cháu ngủ quấy, mà vì cháu ngủ yên quá. Cháu ngủ yên đến nỗi cứ lâu lâu tôi lại tỉnh dậy, đưa tay lên mũi và đặt tay lên ngực cháu để xem cháu còn thở hay không. Cho đến giờ, tôi vẫn thường nằm cạnh lặng yên nhìn cháu ngủ. Có lẽ, với mỗi ông bố bà mẹ, những đứa con của mình khi ngủ đều đẹp như một thiên thần vậy. Và tôi cũng không phải là ngoại lệ.
Tôi tin khả năng tự lập và thực lực nội tại trong mỗi con người mới là thước đo chính xác cho giá trị của mỗi cá nhân. Vợ chồng tôi luôn dạy dỗ cháu trên tinh thần khuyến khích tối đa sự tự lập và để cháu tự phát huy năng lực của bản thân. Từ khi cháu biết ngồi đã được mẹ cho ngồi vào ghế để tự bốc đồ ăn, đến lúc biết ăn cháo đã được đưa cho bát thìa để ngồi tự xúc. Cháu biết đi đã được hướng dẫn để tự cầm bỉm đi vứt vào thùng rác sau khi thay, biết mang cái này, cái kia đưa cho người khác. Cháu được tự do chơi đồ chơi theo cách mà cháu muốn, bởi tôi nghĩ trẻ con sống trong một thế giới riêng với trí tưởng tượng riêng, để chúng được tự do như thế tốt hơn là đưa chúng vào một khuôn khổ theo cách mọi thứ đã được lập trình. Sớm hay muộn cũng sẽ đến lúc chúng phải làm quen mà thôi, hãy để chúng sống trong thế giới riêng của mình lâu hơn một tí.
Khi cháu ngã, tôi không vội vàng nâng dậy mà quan sát xem ngã có nặng lắm không, có bị thương ở đâu không. Nếu không, tôi để cháu tự đứng lên. Nếu cháu ăn vạ, tôi chỉ nhìn cháu và nói nhẹ nhàng: “Con tự ngã cơ mà, có ai làm gì con đâu. Con tự đứng lên đi chứ”, thường thì cháu sẽ đứng dậy và đi về phía tôi cười hềnh hệch. Tôi sẽ xoa đầu cháu, chỉ lại cho cháu chỗ đã ngã và bảo: “Lần sau con đi phải nhìn kỹ hơn nhé, phải cẩn thận hơn”. Khi cháu ngã, nếu có ai đó vội vàng chạy đến bế dậy, tôi sẽ bảo ngay: “Đừng, cứ để cho nó tự đứng lên”. Vợ chồng tôi có thể bế cháu dậy mỗi khi ngã lúc cháu còn nhỏ nhưng chúng tôi sẽ không thể bế cháu dậy cả đời, cháu cần phải học cách tự đứng lên và rút kinh nghiệm sau mỗi lần vấp ngã ấy.
Vợ chồng tôi vẫn chỉ là những ông bố bà mẹ bình thường như bao người khác. Chúng tôi không có kỹ năng sư phạm, cũng có những thứ có thể chúng tôi đã vô tình dạy con sai mà không hay biết. Chúng tôi dù đã cố gắng vẫn không thể dạy cháu bỏ tật ném đồ, chưa thể dạy cháu nói và vẫn còn dạy cháu bằng từ “phải” quá nhiều. Chúng tôi đã lớn lên trong những năm 80, 90 của thế kỷ trước, nơi mà sự tự do trong suy nghĩ không được khuyến khích, nơi tất cả những gì trẻ con cần làm là học giỏi, thanh niên cần làm là vào đại học, người lớn cần làm là kiếm công việc ổn định và lập gia đình, sinh con. Chúng tôi không muốn con sẽ lại tiếp tục lớn lên trong một môi trường như thế, được định hướng để trở thành một người như mọi người như thế. Hãy để cháu được là cháu, được tự mình suy nghĩ, tự đưa ra quyết định, lớn lên và nếm trải cuộc sống theo cách cháu muốn và lựa chọn.
Con chúng tôi vẫn chưa biết nói. Vợ chồng tôi đã rất đắn đo khi quyết định cho cháu đi mẫu giáo bởi cháu có thể bị bạo hành mà không thể về nhà mách cho bố mẹ. Vợ chồng tôi đều đã lớn lên trong sự yêu thương của gia đình nhưng cả hai đều có những bà mẹ rất dữ đòn. Tôi cho rằng, quá dữ đòn sẽ tạo nên sự lì lợm và đôi khi là khoảng cách không đáng có giữa con cái và cha mẹ, nhưng không bao giờ đánh đòn con lại phần nào tạo nên tâm lý coi cái tôi của mình quá lớn ở trẻ. Tôi không muốn con lớn lên với suy nghĩ: “Không ai được phép động vào mình, không ai được phép làm đau mình”, nó sẽ tạo nên một cú sốc tâm lý lớn và có thể hình thành những thay đổi xấu không đáng có trong tính cách của con khi lần đầu tiên trong đời cháu “ăn đòn” từ một ai đó, dù là nghĩa đen hay nghĩa bóng.
Vì vậy, các cô ạ, hãy cứ phạt con tôi, đánh đòn cháu nếu cảm thấy cần thiết. Hãy phạt để cháu biết mình đã làm sai và xứng đáng nhận hình phạt đó. Đừng phạt để cháu cảm thấy oan ức và dấy lên những thù hận trong lòng. Con tôi ít khóc, ít ốm, rất hòa đồng, dễ gần, hay cười, dễ dạy nhưng cũng khá lì lợm và rất hiếu động. Cháu hơi còi và lười ăn, ngủ thường không xuyên suốt mà thỉnh thoảng lại tỉnh, ọ ẹ đòi ti bình sữa rồi mới ngủ được tiếp. Mong các cô hãy coi cháu như con đẻ, yêu thương cháu bằng tình thương của máu mủ ruột rà, chăm sóc cháu như thể cháu là đứa con do các cô dứt ruột đẻ ra vậy. Xin hãy nhẹ nhàng nhưng đừng nuông chiều cháu, đừng ngại ngần cứng rắn với cháu khi cần thiết.
Einstein có câu: “Everybody is a genius. But if you judge a fish by its ability to climb a tree, it will live its whole life believing that it is stupid” (tạm dịch: Ai cũng là những thiên tài nhưng nếu bạn đánh giá một con cá qua khả năng trèo cây, nó sẽ sống cả cuộc đời mình trong suy nghĩ nó chỉ là một kẻ ngu dốt). Tôi không mong con là một thiên tài, chỉ mong cháu sẽ được phát huy đúng với khả năng và những thế mạnh của bản thân. Mong các cô hãy giúp và dẫn dắt cháu, nếu giỏi với những con số thì phát triển tư duy logic, nếu giỏi với những bức tranh, bài hát thì phát triển tư duy trừu tượng. Thậm chí nếu chẳng giỏi logic hay trừu tượng mà cháu chỉ thích quét nhà thì cũng hãy giúp cháu trở thành người quét nhà giỏi nhất.
Các cô hãy dạy cháu những bài học làm người, biết lễ phép với người lớn tuổi, biết tôn trọng những người xung quanh. Hãy dạy cháu biết yêu thương quê hương đất nước, yêu thương đồng loại, biết phân biệt đâu là đúng sai, hay dở. Đây hẳn không phải là những công việc dễ dàng và mong các cô thứ lỗi nếu những mong muốn của tôi quá lớn. Bởi nuôi dưỡng dạy dỗ một đứa bé cũng như xây một căn nhà vậy, móng có vững thì nhà mới chắc, mới xây lên cao được. Các cô chính là những người sẽ giúp cháu đặt những viên gạch đầu tiên trong nền móng ấy. Mong các cô sẽ giúp cháu có được một nền móng vững vàng, để cháu có thể lớn lên và bước đi trong đời với đầy đủ an và tuệ.
Cảm ơn các cô rất nhiều vì đã đọc thư và sẽ là những người vất vả chăm sóc dạy dỗ cháu trong thời gian tới. Chúc các cô sức khỏe, niềm vui và mọi điều tốt lành. Thân chào.
Đăng